Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố cho biết, tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã có 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 2,61 tỷ USD. Tổng vốn thực hiện ước 1,04 tỷ USD. Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, đã có 12 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận, với tổng vốn gần 151 triệu USD và 3 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 23,5 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư cấp mới và tổng vốn tăng thêm lên 172,36 triệu USD. Một tín hiệu tích cực khi mà nền kinh tế thế giới vẫn còn trong giai đoạn khủng hoảng.
Tập trung lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao
Ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất công nghiệp giữa DN Nhật Bản và Việt Nam. |
Do đó, thời gian tới, thành phố Đà Nẵng tập trung chuyển hướng xúc tiến đầu tư theo tiêu chí phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường. Dự án đầu tiên là khu KCN công nghệ cao (CNCNC) được quy hoạch mới, rộng hơn 1.000ha đã được khởi động.
Quan điểm xúc tiến dự án này là tạo mô hình điểm với các tiêu chí cao hơn về đầu tư hạ tầng và hoạt động đầu tư sản xuất vào đó. Dự án sẽ không chỉ ưu tiên mời gọi lập các nhà máy, dự án sản xuất có dây chuyền, công nghệ, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và giá trị gia tăng lớn, mà đặc biệt coi trọng đầu tư hạ tầng ban đầu.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng, các nhà đầu tư hạ tầng KCN được mời gọi tham gia phải là những tổ chức, tập đoàn có năng lực kỹ thuật tốt về thi công hạ tầng công nghiệp hiện đại, tư duy tổ chức, cấu thành một khu CNCNC gồm nhiều hạng mục hỗ trợ, liên kết với nhau.
Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trực thuộc UBND thành phố, là minh chứng về sự chú ý nâng cao chất lượng nhân lực và đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghệ cao của địa phương. Đồng thời, từ những kết quả vận động xã hội thời gian qua, thành phố rà soát các tiêu chí an sinh xã hội, để cùng nhà đầu tư đạt những lợi ích cao hơn và hấp dẫn họ đồng hành cùng sự phồn vinh của Đà Nẵng.
Cũng theo ông Lâm Quang Minh, hoạt động của các doanh nghiệp FDI đã góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển qua nhiều hình thức như đổi sản phẩm, cách thức cạnh tranh, phát triển ngành nghề giá trị gia tăng cao… Kim ngạch xuất khẩu FDI hằng năm chiếm 21-22% kim ngạch thành phố, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 23-24%, giải quyết việc làm cho hơn 37.000 lao động tại địa phương.
Các loại hình dịch vụ liên quan về vận tải, hậu cần cảng biển và sân bay, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, viễn thông, giáo dục, giải trí cao cấp... theo đó đều có cơ hội phát triển.
Song hành thu hút đầu tư sản xuất và phát triển hạ tầng đô thị
Có hai mảng xúc tiến đầu tư được thành phố Đà Nẵng chú trọng trong thời gian vừa qua, đó là kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và kêu gọi, điều phối các dự án đầu tư hạ tầng, dân sinh từ các nguồn vốn tài trợ quốc tế vào Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng trong 10 năm qua luôn được lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến miền Trung.
Số dự án đầu tư FDI hằng năm vào Đà Nẵng luôn tăng và nhiều nhà đầu tư rất hài lòng với môi trường làm ăn tại đây. Điển hình là các nhà đầu tư Nhật Bản. Cách đây 10 năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hiện nay đã có 32 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD và nhiều văn phòng đại diện, chi nhánh khác.
Thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng, Đà Nẵng là địa phương đã tiếp nhận nhiều dự án quan trọng. Có thể kể đến dự án đầu tư cảng biển Đà Nẵng 300 triệu USD của Ngân hàng JBIC Nhật Bản; dự án đầu tư hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường 2 giai đoạn của Ngân hàng Thế giới, hơn 100 triệu USD; các dự án tài trợ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin 19,5 triệu USD cũng của Ngân hàng Thế giới… Đà Nẵng đang thúc đẩy các dự án hạ tầng dân sinh quan trọng về y tế như Bệnh viện Đa khoa 600 giường, Bệnh viện Ung thư… Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh nhận định: Những dự án trên khi đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả rất to lớn về lợi ích dân sinh, xã hội và đô thị hóa Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh cũng cho biết, kết quả của việc xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn để phát triển thành phố là sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Thứ nhất, việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chủ trương vận động, thu hút đầu tư vào Đà Nẵng được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng, không ngừng bám sát thực tiễn để hiệu chỉnh kịp thời.
Thứ hai, về quá trình đầu tư, chính quyền phải luôn đồng hành với nhà đầu tư để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nảy sinh với DN, cùng họ dự báo và chặn trước những điểm bất lợi có thể xảy ra. Thứ ba, việc lựa chọn, chấp nhận các dự án đầu tư phải chú ý phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, nhất là các dự án có quy mô lớn. Ví dụ, Đà Nẵng đã từ chối những dự án dù quy mô lớn nhưng có thể gây ô nhiễm môi trường.
Liên tiếp trong thời gian qua, Đại sứ quán các nước Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản… cùng nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đã đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng, đều đánh giá cao về môi trường đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế. Những tín hiệu này cho thấy các chương trình xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG