.
HẬU SUY THOÁI KINH TẾ

Doanh nghiệp cần phải làm gì?

.

Nhân chuyến tư vấn cho một số DN trên địa bàn thành phố, chuyên gia tư vấn ĐỖ THANH NĂM (ảnh), Chủ tịch HĐQT - kiêm Giám đốc Công ty Tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win Win đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về nội dung: Doanh nghiệp (DN) cần phải làm gì để tiếp tục vươn ra “biển lớn”, trong giai đoạn hậu suy thoái kinh tế?

* PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng của các DN tại Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay?

 

- Ông Đỗ Thanh Năm: Tôi thấy các DN tại Đà Nẵng có một hoài bão, một khát vọng vươn lên mãnh liệt, đây chính là yếu tố giúp DN vượt qua khó khăn trong thời kỳ suy giảm kinh tế. Vừa qua, Win Win đã tư vấn cho 4 DN tại Đà Nẵng, qua đó chúng tôi đánh giá lãnh đạo của 4 DN này rất giỏi, họ nhờ Win Win tư vấn vì muốn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nên tôi chưa thể đưa ra kết luận chung được.

Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm làm việc với nhiều công ty trong nước, tôi có một số nhận xét như sau: DN cũng giống như một con người, vì vậy cần phải được quan tâm và chăm sóc sức khỏe mỗi ngày. “Sức khỏe” của DN thể hiện qua chiến lược, mô hình quản lý và đội ngũ nhân sự. Hiện nay, nhiều DN chưa quan tâm đúng mức cho “sức khỏe” của mình và mắc nhiều “căn bệnh”.

* PV: Vậy đâu là những “căn bệnh” mà DN thường mắc phải?

- Ông Đỗ Thanh Năm:
“Bệnh” thì nhiều lắm, nhưng tôi chỉ kể ra một số “căn bệnh” phổ biến nhất, ảnh hưởng đến “sức khỏe” của DN nhiều nhất, qua đó DN cần phải chữa trị để đón cơ hội hậu suy thoái kinh tế. Thứ nhất, DN hay có thói quen “làm việc tới đâu, xả rác tới đó”. Khi DN phát triển lên một quy mô nhất định nào đó, chính những “đống rác” này kìm hãm sự phát triển và còn phải tốn thêm chi phí “đổ rác”.

Một số DN chưa xây dựng chiến lược phát triển đúng cho mình, nên gặp rất nhiều khó khăn khi suy thoái kinh tế xảy ra. Một số đã xây dựng định hướng phát triển đúng, nhưng kế hoạch thực hiện chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và chưa có sự hỗ trợ tích cực giữa các bộ phận, nhất là chỉ tập trung xây dựng quy trình kiểm soát mà chưa tập trung vào hệ thống kiểm soát và cơ cấu trách nhiệm.
 
Thứ hai, cơ cấu tổ chức trong DN vẫn còn nặng “thưa”, “bẩm”, “báo”, “trình”, tập trung vào chức vụ, quyền hạn nhiều hơn là trách nhiệm, chưa thật sự dựa trên giá trị gia tăng mang đến cho thị trường và khách hàng. Điều này hạn chế sự năng động, sáng tạo, khả năng nắm bắt và thỏa mãn nhu cầu của thị trường. Bản mô tả công việc của mỗi nhân viên trong công ty không rõ ràng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chồng chéo lên nhau.

Thứ ba, phần lớn DN chọn cách lãnh đạo theo mô hình “đầu tàu”, chỉ dựa vào khả năng của một số ít người. Theo mô hình này, một khi người chủ DN đi công tác xa, hay có việc gì bất ngờ thì mọi hoạt động bị đình trệ. Thứ tư, một điều đáng mừng là phần lớn DN đều xem con người là tài sản, luôn tìm cách thu hút và giữ chân người giỏi, nhưng lại chưa đánh giá chính xác năng lực của người giỏi (việc đánh giá chưa dựa trên giá trị gia tăng mang đến cho thị trường, khách hàng, đồng nghiệp và cấp dưới). Hơn nữa, DN chưa tạo ra “chất keo” kết nối nhân viên thành một khối đoàn kết, hiệp lực, cùng khát vọng vươn đến mục tiêu chung.

* P.V: Vậy trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, các DN nên ưu tiên như thế nào cho việc đầu tư?

- Ông Đỗ Thanh Năm:
Đã mắc bệnh, thì phải ưu tiên cho việc chữa trị. Mà muốn “chữa trị” hiệu quả, phải tìm ra nguyên nhân đích thực. “Bệnh” có thể giống nhau nhưng nguyên nhân sinh “bệnh” lại khác nhau ở từng DN.
 
Trong thời điểm hiện nay, kinh tế suy thoái, DN nên ưu tiên cho việc xây dựng chiến lược đúng ở trạng thái động, đưa ra nhiều kịch bản, mô hình quản lý hiệu quả, đội ngũ nhân sự tinh và gọn. Cụ thể, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, tăng chi tiêu cho một số lĩnh vực để sẵn sàng đạt các mục tiêu tối trọng, ứng dụng sức mạnh của Internet và thương mại điện tử vào chiến lược kinh doanh…

* P.V: Ông có thể lý giải vì sao DN phải ưu tiên cho việc này?

- Ông Đỗ Thanh Năm:
Thứ nhất, khi đã có được chiến lược đúng, mô hình quản lý phù hợp, đội ngũ nhân sự tinh gọn, thì mọi thứ sẽ đúng. Công ty sẽ tối đa hóa thành công và tối thiểu hóa rủi ro khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào.

Thứ hai, thông thường việc triển khai các dự án này đa phần kéo dài nhiều tháng, không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về tài chính (tiền mua máy móc, giải pháp công nghệ, phí tư vấn) mà còn cần đầu tư về thời gian và công sức của tập thể cán bộ, nhân viên như tham gia các buổi đào tạo để sử dụng công nghệ, luyện tập để sử dụng thành thục, thời gian làm quen với quy trình làm việc mới...
 
Việc xem xét triển khai các dự án này đối với các DN nhóm này rất phù hợp trong thời điểm suy thoái vì DN ít việc, cán bộ, nhân viên có nhiều thời gian hơn để học tập trau dồi kỹ năng (bình thường trong thời kỳ kinh tế bùng nổ, riêng việc đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp đã làm không xuể, nên thường không còn thời gian và nguồn lực để quan tâm việc ứng dụng những mô hình kinh doanh mới).

* P.V: Vậy làm thế nào để xây dựng mô hình quản lý hiệu quả, hỗ trợ tốt cho chiến lược được đề ra, thưa ông?

- Ông Đỗ Thanh Năm:
Hiện tại, cơ cấu tổ chức của DN phần lớn là theo nguyên tắc kim tự tháp, đáy là toàn thể công nhân gánh toàn bộ cơ cấu trên vai, và các cấp bậc kiểm soát chồng chất lên nhau cho đến đỉnh. Dù hệ thống tổ chức có logic tới đâu đi nữa thì vẫn ẩn chứa mầm mống của bệnh quan liêu. Toàn bộ hệ thống cấp bậc, bức vách ngăn, cấu trúc phức tạp về quản trị này đã hạn chế sự nhạy bén của DN với thị trường.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai một chiến lược thành công. Để thành công trong việc xây dựng và triển khai một chiến lược động, DN phải xây dựng mô hình quản lý hướng về thị trường và phản ứng rất nhanh với những biến đổi từ bên ngoài. Để làm được điều này, DN nên xây dựng tiến trình tổ chức theo chiều ngang: mọi thông tin phải được thông suốt, mọi ý kiến từ thị trường đều đến được ban lãnh đạo DN một cách nhanh nhất. DN cần xây dựng bộ máy tinh gọn, hướng tới việc nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.

* P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TRỌNG HÙNG (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.