.
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU

Triển vọng của Việt Nam

.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là chủ đề thời sự được cả thế giới quan tâm. Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị trong và ngoài nước đã nghiên cứu, phân tích và nhận định những ảnh hưởng được và mất của cuộc khủng hoảng này. Dưới đây là góc nhìn của Giáo sư, Tiến sĩ Razeen Sally về “Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, triển vọng trên lĩnh vực đầu tư - thương mại và ý nghĩa đối với Việt Nam”. Đây cũng là chủ đề buổi nói chuyện của Tiến sĩ với gần 200 cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố, doanh nghiệp và các sinh viên đại học tại Đà Nẵng mới đây.

Khó tìm lại thời hoàng kim

Cuộc khủng hoảng kinh thế thế giới từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái với sức lây lan nhanh và ở mức độ nghiêm trọng. Với dự báo nền kinh tế các nước G7 từ mức tăng trưởng GDP 1% (2008) tụt xuống - 2% (2009). Một số nền kinh tế đang phát triển có đà tăng trưởng nhanh như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, mức tăng trưởng GDP năm 2009 chỉ bằng xấp xỉ 50% năm 2007. Đầu tư FDI toàn cầu giảm khoảng 20%, vốn ODA cam kết và lượng kiều hối chảy về các nước đang phát triển đều sụt giảm nghiêm trọng.
 
“Cách đây một năm, chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế làm co cụm quá trình toàn cầu hóa. Tôi nghĩ, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này khác với cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm. Nó còn nặng nề và tồi tệ hơn cả cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới thời kỳ 1929-1933”, Giáo sư Razeen nhìn nhận.

Rất nhiều quốc gia sẽ gặp khó khăn khi tìm lại tốc độ tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim ban đầu. Để minh chứng cho nhận định này, chúng ta bắt đầu bằng ba nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới: Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Hoa Kỳ rất lưỡng lự trong việc tìm lại mình như những năm 2007 trở về trước. Vì sao người dân Hoa Kỳ không muốn mua sắm? Vì họ sợ những khoản nợ khổng lồ đã chi tiêu cho việc mua nhà, tậu xe… đeo đẳng từ nhiều năm trước.

Người dân đã bắt đầu tích lũy tiết kiệm nhiều hơn là chi tiêu, cho nên việc kích cầu của Chính phủ sẽ không đạt như mong muốn. “Theo tôi, các ngân hàng của Hoa Kỳ đang cần tái cơ cấu để tăng tính thanh khoản, kích thích tốt tiêu dùng. Khối tài chính công đã làm xấu đi tình hình đất nước. Trong khi gói kích cầu chỉ kích thích cho chi tiêu công sẽ làm thâm hụt cán cân, mà mỗi năm nền kinh tế này phải chi tiêu ít nhất 1.000 tỷ USD.

Đó cũng là một trong những lý do khiến nền kinh tế này gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới”. Về một số quốc gia khác được dẫn chứng như Anh và  một số nước châu Âu được đánh giá tương tự như Hoa Kỳ, ông Razeen cho rằng, “hành vi tiêu dùng của châu Âu cũng đang được tiết kiệm dần” và theo đó nền kinh tế của Trung Quốc đang hiện hữu những hiểm họa về sản xuất, xuất khẩu hàng hóa…


Cũng theo một nhận định mới đây của giáo sư Kenneth Rogoff (thuộc ĐH Harvard), một nhà kinh tế cao cấp kỳ cựu của IMF, lịch sử cho thấy, ngay cả khi các Chính phủ tuân theo tất cả mọi quy định bắt buộc thì phải mất rất nhiều năm kinh tế mới quay trở lại các mức tăng trưởng thời kỳ tiền khủng hoảng. Với nền kinh tế Mỹ, ông dự đoán sẽ phải trải qua 5 - 7 năm tăng trưởng đi kèm với nguy cơ tăng trưởng thấp.

Xu thế tương lai

Làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng? Thế giới sẽ như thế nào? Việt Nam sẽ như thế nào?... là những câu hỏi mà Giáo sư đưa ra để phân tích. Gần đây, một số quốc gia mới nổi ở châu Á phát triển tốt hơn một số nước phương Tây. Trên những lĩnh vực công nghiệp, ngân hàng, du lịch, thương mại và dịch vụ, ở những nước đang phát triển đáng lẽ ra hoạt động rất tốt nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính này.

Qua quý 2 và 3-2009 đã có sự phục hồi kinh tế ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác đang tìm cách phục hồi mạnh mẽ. “Chúng ta còn có nhiều lạc quan hơn vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh là nên thận trọng. Nền kinh tế thế giới đang chao đảo và xáo trộn khá nhiều trong hai năm tới”, ông đánh giá thẳng thắn về khu vực ASEAN và chính sách thương mại tự do.

Việt Nam sẽ là Chủ tịch của ASEAN trong năm tới, đây là cơ hội và thách thức đối với một quốc gia đang phát triển. Nhưng ASEAN không phải là một thực thể kinh tế hoạt động độc lập trên toàn cầu. Đối với khu vực mậu dịch tự do, hiện thế giới có khoảng 50 khu vực, trong đó, có nhiều khu vực hoạt động còn yếu như Ấn Độ, ASEAN, do đó không nên quá hy vọng có sự tự do hóa thương mại hoàn toàn, mà ngay cả Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng đang lâm vào khủng hoảng. Theo ông Razeen, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, Việt Nam không nằm ngoài việc phải đối mặt với những khó khăn và thách thức.
 
Đó là chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia gây trở ngại lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như thuế chống bán phá giá ở nhóm hàng dệt-may, da giày hoặc áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách trợ giá… Tuy nhiên, ông cũng phân tích, cuộc khủng hoảng đưa lại nhiều cơ hội đối với các quốc gia mà “sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam dựa vào bối cảnh thế giới”.
 
Việt Nam phải biết tận dụng bất cứ cơ hội nào có được trong khủng hoảng để có những chính sách mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc điểm riêng của từng quốc gia. Chẳng hạn như thực hiện những cải cách toàn diện của Nhà nước, chú trọng đến thị trường nội địa, tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài…

Razeen Sally là giảng viên cao cấp của Trường ĐH Khoa học Kinh tế và Chính trị Luân Đôn, Vương quốc Anh từ năm 1993. Ông là giáo sư chuyên thỉnh giảng tại các trường ĐH, Viện Nghiên cứu uy tín như Viện Nghiên cứu Chính sách chính trị tại Paris, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nam Phi tại Johannesburg…

Các nghiên cứu của ông thường tập trung vào chính sách thương mại trong giai đoạn gia nhập Tổ chức WTO của các nền kinh tế Đông Âu và Đông Á; đồng thời là học giả nghiên cứu về lịch sử kinh tế chính trị, đặc biệt là các lý thuyết về chính sách thương mại. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là Chủ nghĩa tự do cổ điển và trật tự kinh tế quốc tế.


DUYÊN ANH (ghi)

;
.
.
.
.
.