.

Kinh tế hộ khá lên nhờ vốn kích cầu

.

“Lần đầu tiên, những hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn quận Cẩm Lệ được vay vốn ưu đãi lãi suất. Nguồn vốn này rót vào đúng lúc chúng tôi đứng bên bờ vực phá sản, nay kinh doanh tạm ổn”. Đó là tâm sự của bà Hoàng Thị Nghị ở tổ 17, phường Hòa Phát. Bà Nghị cho hay, gia đình bà mở cửa hàng kinh doanh gas cùng các loại bếp gas từ nhiều năm nay.

Anh Tâm và chiếc máy cày mới.

Đã có lúc bà phải thế chấp sổ đỏ, vay thêm vốn của ngân hàng bổ sung vào nguồn vốn lưu động. Tuy nhiên, chưa có năm nào việc kinh doanh lại khốn đốn như năm 2008 và những tháng đầu năm 2009. Khi hãng gas BP rút khỏi thị trường Đà Nẵng, gia đình bà bị mất trắng tiền vốn mua 240 vỏ bình mới. Thêm nữa trong thời gian này, giá gas lên xuống thất thường. Khi lấy hàng công ty, người kinh doanh phải trả đủ tiền, còn lúc bán cho người tiêu dùng phải chấp nhận ký nợ. Khách ghi nợ vào thời điểm giá thấp, trả tiền lúc giá lên cao thì chủ kinh doanh cũng phải chấp nhận giá cũ.

Cầm cự đến hết quý 1 năm 2009, việc kinh doanh của bà đứng bên bờ vực phá sản.Vừa đúng lúc này, bà Nghị được Hội Nông dân phường Hòa Phát phổ biến việc hỗ trợ lãi suất tiền vay của Chính phủ. Chớp lấy cơ hội, bà Nghị liên hệ Phòng giao dịch Ngân hàng NN và PTNT tại phường. Chỉ sau thời gian ngắn làm thủ tục, ngân hàng giải quyết cho vay 50 triệu đồng, nhưng bà chỉ dám vay 30 triệu bổ sung vào vốn lưu động, sửa chữa lại quầy bán hàng. Bà Nghị còn cho biết thêm, hiện nay là thời điểm bước vào năm học mới, rất nhiều gia đình dồn tiền cho con đi học nên việc nợ tiền gas cũng sẽ tăng cao. Nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ cho người kinh doanh, nhưng cạnh đó cũng tạo điều kiện cho người tiêu dùng được hưởng lợi.

Còn vợ chồng anh Thái Văn Hiếu và chị Phạm Thị Bích Dung, ở số 95 đường Lê Trọng Tấn thì mạnh dạn vay 100 triệu đồng để làm vốn mua sắm máy móc làm nghề cắt gương, khung cửa nhôm và buôn bán đồ điện, nước. Chị Dung cho biết, suy thoái kinh tế chung đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của gia đình. Có một thời gian khá dài, nhiều công trình phải tạm ngừng xây dựng do giá cả tăng quá cao. Điều này cũng đồng nghĩa cửa hàng ế ẩm, đọng vốn, khách hàng nợ nần, thiếu vốn lưu động mua thêm hàng. Vợ chồng chị sợ không dám vay vốn theo lãi suất thông thường, nhưng nguồn vốn ưu đãi này rất có lợi, bởi 100 triệu đồng chỉ phải trả tiền lãi dưới 550 nghìn đồng/tháng. Bên cạnh đó, chị còn được chọn hình thức trả dần gốc và lãi trong 24 tháng.

Anh Phạm Minh Tâm, ở tổ dân phố số 9 phường Hòa Phát có lẽ là trường hợp duy nhất ở Cẩm Lệ được vay 20 triệu đồng mua máy cày. Anh mơ ước sắm được chiếc máy cày đã từ mấy năm nay nhưng chưa biết lấy tiền từ đâu. Anh nhẩm tính, với chiếc máy cày mới mua, khi vào vụ anh chỉ phải chi phí khoảng 2 lít dầu/sào, công tự làm, so với giá thuê máy cày hiện nay giảm được khoảng 150 nghìn đồng/sào.
 
Hơn nữa, ngân hàng cũng tạo điều kiện cho anh được trả dần tiền gốc trong 5 năm, mỗi năm anh chỉ phải trả vốn gốc 4 triệu đồng. Anh hồ hởi bày tỏ: “Được trả dần trong thời gian dài như vậy tôi mới dám vay. Nếu chỉ được hỗ trợ 1 hoặc 2 năm thì làm nông không thể hoàn trả nhanh, không cách nào vay được”. Trong khi nhiều hộ ở Hòa Phát bỏ ruộng hoang thì chiếc máy cày mới sắm lại tiếp thêm động lực cho anh gắn bó với nghề nông. Hiện anh đã cùng người anh rể khai hoang hơn 1 mẫu ruộng. Anh dự tính, trong vụ tới sẽ nâng diện tích khai hoang lên 3 mẫu, đồng thời nhận cày thuê cho tất cả diện tích lúa hiện có ở Hòa Phát.

Ông Bùi Văn Suề, ở tổ 20, phường Hòa Phát cho rằng nguồn vốn ưu đãi lãi suất của Chính phủ không chỉ giúp duy trì SXKD mà còn tạo hiệu ứng tâm lý khá tốt, giảm sức ép về lãi suất, khích lệ người dân tự tin tiếp tục SXKD, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc làm thủ tục vay vốn đối với những người chưa từng vay vốn lại rất khó khăn, nhất là đối với các hộ SXKD nhỏ lẻ, không có thói quen sử dụng hóa đơn. Trong khi đó, thủ tục vay vốn đòi hỏi người vay phải chứng minh đầy đủ các loại hóa đơn, chứng từ.

Ông Suề lo ngại, có thể một số hộ sẽ phải “mua” hóa đơn, như vậy vô tình vi phạm việc mua bán hóa đơn khống. Điều này cũng được anh Ngô Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Nghiệp vụ kinh doanh Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT quận Cẩm Lệ thừa nhận. Anh cho biết, tính đến đầu tháng 8-2009, chi nhánh đã giải ngân khoảng hơn 77 tỷ đồng cho 45 DN và hơn 240 hộ. Theo kết quả khảo sát vừa qua, hầu hết các hộ đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, duy trì được SXKD, phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Bài và ảnh: Nguyên Thu

;
.
.
.
.
.