.

Làm “Người tiêu dùng thông thái” - quá khó !

Bộ Y tế đã từng chọn chủ đề cho Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm  là “Người tiêu dùng thông thái”, nhằm kêu gọi người tiêu dùng phải cẩn thận và sáng suốt trong việc mua và sử dụng thực phẩm bán trên thị trường. Và trong thời gian gần đây, sau những vụ lùm xùm về chất lượng thực phẩm bị phát hiện, một số quan chức trong ngành khi đăng đàn vẫn hay kêu gọi người dân phải trở thành “Người tiêu dùng thông thái” để chống lại nạn thực phẩm nhiễm bẩn và độc hại đang ở mức báo động hiện nay.

Lời kêu gọi này không sai, nhưng thực tế để trở thành “Người tiêu dùng thông thái” sao mà quá khó, nếu như không muốn nói rằng điều đó là không thể. Hãy thử kiểm chứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu của người dân như sữa, rau xanh, trái cây… thời gian qua đều có “vấn đề”. Sữa thì ngoài việc giá cao thuộc loại nhất nhì thế giới, qua kiểm  tra  phát hiện ra có tỷ lệ melamine cũng thuộc hàng cao nhất nhì thế giới.

Rau xanh, trái cây thì sử dụng chất tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho cơ thể. Ngay như quần áo, đồ chơi trẻ em  cũng phát hiện có chất gây ung thư da… Nói chung, kiểm tra đâu là phát hiện sai phạm đấy. Điều đáng nói ở đây là kết quả trên do các cơ quan chức năng Nhà nước kiểm tra và phát hiện ra. Thế nhưng, chính bản thân các cơ quan này cũng công nhận đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”.

Như vậy không khó để hiểu rằng, lâu nay “người tiêu dùng thông thái” hằng ngày, hằng giờ vẫn phải mua những thực phẩm kém chất lượng về sử dụng. Biết vậy, nhưng ở góc độ người tiêu dùng thì gần như không có cách chọn lựa nào khác. Với mức thu nhập như hiện nay của người dân, địa điểm để họ mua thực phẩm về sử dụng hằng ngày chính là ở các chợ trên địa bàn mình đang sinh sống.
 
Và khi mua hàng tại chợ, mức độ “thông thái” của người tiêu dùng chỉ có thể thể hiện qua việc quan sát bằng mắt thường để  chọn hàng. Giả dụ việc sử dụng thực phẩm này dẫn đến ngộ độc thì họ cũng chỉ biết chịu một mình. Với những người có điều kiện kinh tế khá hơn, có thể đến các siêu thị để chọn mua thực phẩm. Tuy vậy, trên thực tế, thực phẩm tại đây cũng từng bị phát hiện kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng.

Trong lúc các cơ quan chức năng chưa đủ năng lực kiểm tra, kiểm soát hết chất lượng thực phẩm trên thị trường, xem ra kêu gọi người dân trở thành “Người tiêu dùng thông thái” là giải pháp tốt, nhưng rõ ràng về hiệu quả thì e chỉ dừng lại ở phép “thắng lợi tinh thần” mà thôi !         

Thanh Vân

;
.
.
.
.
.