.
MỞ ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ ĐẾN ĐÀ NẴNG

Bay thuê để bay thẳng

.

Từ 4 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng vào năm 2003, đến nay Đà Nẵng chỉ còn một đường bay quốc tế duy nhất là Đà Nẵng - Siem Riep - Singapore của Hãng hàng không Silk Air. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lẫn các doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực để xúc tiến các đường bay mới.
 

Từ sự nóng lòng của người Nhật...

Đón khách quốc tế tại Sân bay Đà Nẵng.


Tuần trước, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng để mở đường bay trực tiếp từ Osaka (Nhật Bản) đến Đà Nẵng và ngược lại, ông Seiji Nakamura, Giám đốc Hoạch định chiến lược của Sân bay Kansai (Osaka, Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp (DN) và người dân đất nước mặt trời mọc nóng lòng muốn hai nước sớm xúc tiến mở đường bay thẳng từ Sân bay quốc tế Kansai đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Bởi, theo ông Nakamura, miền Trung là nơi hội tụ nhiều di sản thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng… Còn Đà Nẵng có thiên nhiên kỳ thú, môi trường trong sạch. Vì thế, miền Trung trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với người dân Nhật Bản. Hơn nữa, ngày càng có nhiều doanh nhân Nhật Bản chọn miền Trung để đầu tư. Từ những phân tích trên, ông Nakamura cho rằng, cơ hội để mở đường bay trực tiếp từ Nhật Bản đến Đà Nẵng - miền Trung Việt Nam là hết sức lý tưởng. “Chúng tôi đã sẵn sàng. Tôi đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng sớm làm việc với Vietnam Airlines để mở đường bay này”, ông Nakamura nói.

Ông Sakai Shuji, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Sân bay quốc tế Kansai, bổ sung thêm thông tin: Sau hội thảo quốc tế xúc tiến đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Osaka diễn ra hồi tháng 5-2009, giới doanh nhân, khách du lịch, chính giới Osaka và Nhật Bản đều rất quan tâm, mong muốn đường bay này sớm trở thành hiện thực. Một hội thảo về đường bay Đà Nẵng - Osaka đã được tổ chức tại Nhật Bản hôm 14-9. Tại hội thảo này, Thị trưởng Osaka cho biết, chính quyền địa phương tới đây sẽ sang Đà Nẵng để xúc tiến đường bay này.

... Đến nỗ lực từ Đà Nẵng

Tại thời điểm phái đoàn của Công ty TNHH Sân bay quốc tế Kansai đến Đà Nẵng, một đoàn công tác của Đà Nẵng do Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh dẫn đầu cùng một số DN du lịch đã sang Nhật Bản quảng bá du lịch Đà Nẵng cũng như lợi ích thiết thực từ đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Nhật Bản. Có thể thấy, thành phố Đà Nẵng cũng “nóng lòng” không kém trong việc xúc tiến đường bay quốc tế Đà Nẵng - Nhật Bản.

Ngày 30-9 tới đây, Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Vitours (Đà Nẵng) phối hợp với Vietnam Airlines thuê chuyến bay trực tiếp Đà Nẵng - Hồng Kông - Đà Nẵng, theo đó Vitours tiến hành khai thác khách du lịch trên cả hai hướng là khách du lịch từ nước ngoài vào và khách du lịch trong nước ra trên chuyến bay này.

Đây là chuyến bay đầu tiên trong năm được thực hiện bởi Vietnam Airlines phối hợp với một số công ty du lịch, trong đó Vitours đóng vai trò chủ lực. Vitours cho biết, để chuyến bay đầu tiên đạt kết quả tốt nhằm khai thác đường bay này và tạo nên cú hích lớn cho thị trường khách du lịch nước ngoài đến và khách đi từ miền Trung, DN đã xây dựng rất nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Trong đó, điểm đặc biệt, nguồn khách từ nước ngoài đến Đà Nẵng trên chuyến bay này không phải là khách du lịch thuần túy, mà là các vận động viên marathon quốc tế, các đoàn nhà báo và truyền hình các nước và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan đến tham gia và đưa tin cho sự kiện này.

Bay thuê để bay thẳng

Theo thống kê của Vietnam Airlines, năm 2008, có 400.000 du khách Nhật Bản đến Việt Nam bằng đường hàng không. Trong số này có hơn 15.000 du khách đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng để tham quan miền Trung. Ngoài ra, mỗi năm trên tàu Hòa Bình có hàng ngàn du khách Nhật Bản đến tham quan tại Đà Nẵng.

Không những vậy, miền Trung hiện có 55 dự án đầu tư FDI của Nhật Bản, nên nhu cầu di chuyển nhanh từ Nhật sang miền Trung là không nhỏ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, trong buổi làm việc với phái đoàn Sân bay Kansai tuần trước, bày tỏ sự lạc quan: “Nếu mở đường bay trực tiếp từ Kansai đến Đà Nẵng thì con số du khách lẫn doanh nhân Nhật đến miền Trung sẽ tăng cao”.

Tiềm năng là vậy, nhưng để khai thác hiệu quả các chuyến bay quốc tế, vấn đề quan trọng được đặt ra: trước hết, hãy bay thuê, để sau đó bay thẳng.

Vietnam Airlines cho biết sẽ khởi động đường bay Đà Nẵng - Osaka bằng các chuyến bay thuê chuyến để hạn chế rủi ro. Khi đã có nguồn khách hai chiều ổn định thì tiến hành các chuyến bay định kỳ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến ủng hộ hướng đi này và đề xuất Vietnam Airlines và đại diện Sân bay quốc tế Kansai sớm “thử” chuyến bay thuê chuyến để đánh giá hiệu quả trước khi chính thức mở đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Osaka, dự kiến vào tháng 7-2010.

Việc thuê chuyến được coi là tiền đề quan trọng để mở đường bay trực tiếp từ sân bay ở miền Trung đến các nước và vùng lãnh thổ có lượng khách du lịch dồi dào. Sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng không ngoại lệ khi chỉ còn một đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Siem Riep - Singapore. “Hiện, Vietnam Airlines đang khuyến khích các DN, nhất là DN du lịch, áp dụng cách làm của Vitours để chia sẻ, hỗ trợ với Vietnam Airlines khai thác có hiệu quả các chuyến bay quốc tế”, ông Lê Hồng Hà, Giám đốc Vietnam Airlines miền Trung, cho biết.

Như vậy, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lẫn các DN đã đồng lòng để phát triển các đường bay mới đến Đà Nẵng nhằm khai thác tối đa lợi thế của Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Để sớm mở các đường bay này, trước hết là chuyến bay thuê chuyến, rất cần sự tiếp sức mạnh mẽ từ Vietnam Airlines.  
              
Bài và ảnh: ĐÀ NAM

;
.
.
.
.
.