.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Cuộc chạy đường dài

.

Sau 3 năm liên tiếp xếp ở vị trí thứ 2 về PCI cấp tỉnh (thành phố), thành phố Đà Nẵng đã vươn lên hạng nhất vào năm 2008. Để đánh giá kết quả đạt được và phấn đấu vươn lên về PCI, ngày 24-9, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Đà Nẵng”. Tiến sĩ Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội thảo quan trọng này.

Nhận diện trước áp lực đảo chiều về xếp hạng PCI

Quang cảnh hội thảo.


Trong báo cáo đề dẫn của hội thảo, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cảnh báo dù đã dẫn đầu PCI năm 2008, nhưng thành phố Đà Nẵng luôn có Bình Dương và một số tỉnh, thành khác bám theo rất sát. Kết quả thực tế khảo sát và được VCCI công bố năm 2008, thành phố Đà Nẵng vươn lên dẫn đầu đối với 4/10 chỉ số PCI (thang điểm 10) gồm: chi phí gia nhập thị trường đạt 9,36 điểm; tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin đạt 7,92 điểm; đào tạo lao động đạt 8,4 điểm; thiết chế pháp lý đạt 6,55 điểm.

Tổng số điểm của Đà Nẵng đạt 72,18 điểm nhưng vị trí thứ 2 của Bình Dương đã là 71,76 điểm. “Kết quả đạt được về PCI của Đà Nẵng chủ yếu dựa vào thành tích của công cuộc cải cách hành chính, các chỉ số quan trọng như tiếp cận về đất đai, chi phí không chính thức, chi phí về thời gian để thực hiện các giao dịch thực hiện các quyết định của Nhà nước... đạt kết quả chưa cao. Đây là thách thức đối với thành phố Đà Nẵng” – ông Lâm Quang Minh nói.

Ở góc đánh giá khác, Tiến sĩ Võ Thúy Anh – Giảng viên Khoa Tài chính-Ngân hàng (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho biết, môi trường kinh doanh của DN Đà Nẵng năm 2009 dựa theo tiêu chí cơ bản của chỉ số PCI mà khó khăn DN đang gặp phải đó là:

Về môi trường kinh tế vĩ mô đang có lạm phát và chính sách kinh tế chưa ổn định; đầu vào của DN đang đứng trước tình trạng thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu mặt bằng kinh doanh. Đối với công tác điều hành chính sách đối với DN còn có cạnh tranh thiếu lành mạnh, thuế thu nhập DN cao và ít có ưu đãi đối với DN tư nhân. Ngoài ra, có thực trạng là thủ tục pháp lý rườm rà, lĩnh vực tư vấn pháp luật yếu kém. Tiến sĩ Võ Thúy Anh nêu giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho DN Đà Nẵng tập trung vào 3 lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin.

“Từ lâu nay, các nội dung cải cách hành chính (CCHC) còn khá chung chung, chưa được lượng hóa vì nó có liên quan đến nhiều hoạt động và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị nên dẫn đến khi đánh giá thường lồng ghép, kết hợp nhiều nội dung.
 
Xuất phát từ tình hình trên, việc nghiên cứu chuyển các nội dung về CCHC thành các tiêu chí, các chỉ số để ghi nhận kết quả thực hiện CCHC là vấn đề lãnh đạo thành phố quan tâm.

Gian nan trong giai đoạn khởi đầu cũng là việc khó tránh khỏi cho những cách làm mới, đột phá nhưng triển vọng tạo được động lực cạnh tranh qua xếp hạng CCHC theo định kỳ hằng năm là mục tiêu cải cách hành chính của thành phố cần vươn tới”. (Ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ nói về bộ tiêu chí thi đua trong hoạt động cải cách hành chính ở thành phố Đà Nẵng).

Tiến sĩ Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đưa ra đánh giá khá khả quan từ khối DN có vốn đầu tư nước ngoài với một số chỉ số trước đây đánh giá thấp nay đã tăng lên. Đánh giá này nhận được sự tán đồng của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội như chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; đào tạo lao động và chỉ số thiết chế pháp lý trong năm 2009 tại Đà Nẵng đã tăng lên và tiến gần đến thứ hạng tốt nhất. Song “những chỉ số này sẽ bị cạnh tranh gay gắt bởi các tỉnh” – ông Đạt nhấn mạnh.

Vượt lên chính mình và vươn ra khu vực

10 chỉ số PCI được chính “tác giả” là VCCI và Tổ chức dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) khẳng định đây là công cụ đo lường đánh giá chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Các chỉ số năng lực cạnh tranh có thể được các địa phương chuyển giao, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, chỉ số PCI vừa có tính tham khảo nhưng tạo ra một cuộc cạnh tranh đường dài.

Tiến sĩ Jim Winkler, Giám đốc Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đánh giá cao kết quả PCI của thành phố Đà Nẵng năm 2009 và những đánh giá sơ bộ, chủ động từ phía thành phố. Đà Nẵng hiện đang chuẩn bị cho một cuộc chạy đua đường dài từ chỉ số PCI mà trước hết phải vượt qua chính mình và nâng cao năng lực cạnh tranh vươn ra khu vực và toàn cầu. “Đà Nẵng không soi rọi với Bình Dương, Vĩnh Phúc hay các tỉnh, thành khác mà cần bước vào giai đoạn cạnh tranh với các địa phương khác ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Trong cuộc cạnh tranh này, Đà Nẵng cần có tầm nhìn chiến lược hơn là chủ động hợp tác với các tỉnh, thành phố, liên kết vùng, liên kết giữa các DN” - Tiến sĩ Jim Winkler nói thêm: Dựa vào PCI trong nước, thành phố Đà Nẵng hướng đến việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các lĩnh vực Công nghiệp dịch vụ, Du lịch, Tài chính-Ngân hàng; Công nghệ thông tin. Giải pháp chủ yếu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh là có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng điều hành nền kinh tế địa phương, trong đó nâng mức độ thu hút đầu tư nước ngoài lên cấp độ I.

Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, ngoài 10 chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, Đà Nẵng hiện có nhiều chỉ số vượt trội và đang trở thành thế mạnh của Đà Nẵng như cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý kinh tế, công nghệ thông tin cùng với sự phát triển mạnh mẽ từ ngành Du lịch, thương mại dịch vụ… Đây là thế mạnh, thế cạnh tranh trong môi trường phát triển kinh tế toàn cầu.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, nếu Đà Nẵng nhìn nhận nghiêm túc về PCI có hệ thống và tạo được cơ sở dữ liệu về cạnh tranh riêng của thành phố thì ngoài việc hỗ trợ cho hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền, còn hoạch định được mô hình phát triển kinh tế trung và dài hạn.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng tham gia Năng lực chỉ số cạnh tranh PCI là điều kiện để đánh giá cán bộ, trình độ quản lý Nhà nước và đánh giá đúng từ sự ủng hộ của nhân dân về sự phát triển kinh tế-xã hội ở thành phố. Đối tượng trực tiếp từ PCI là DN và DN Đà Nẵng luôn luôn đòi hỏi cao từ sự nỗ lực của thành phố trên tất cả các mặt. Rõ ràng, thành phố Đà Nẵng sẽ không bằng lòng với kết quả hiện tại mà phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh từ chính mình.

Đây là cuộc chạy đường dài, cần có sức bền, sức dẻo dai, kiên trì của cả bộ máy chính quyền, nhân dân và cộng đồng các DN thành phố. Chủ tịch Trần Văn Minh cũng chỉ rõ, trách nhiệm từ phía các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phải thực sự vào cuộc và sắp đến thành phố sẽ đánh giá năng lực cạnh tranh từ trong tổ chức bộ máy hoạt động, hiệu quả công tác từ các sở, ngành, nhất là các ngành liên quan đến lĩnh vực kinh tế.
 
Mặt khác, DN thành phố Đà Nẵng cũng chủ động nâng cao năng lực hoạt động, sản xuất kinh doanh, tất cả tạo nên một thương hiệu Đà Nẵng trước nền kinh tế toàn cầu, hội nhập phát triển kinh tế khu vực và quốc tế.
 

“Những năm qua, các DN đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế lớn hướng dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc để rồi chuyển dần hướng đầu tư sang các nước trong khu vực. Việt Nam và Đà Nẵng cần vận động để nắm bắt ngay dòng vốn đầu tư cấp 1 này với sức sản xuất có giá trị gia tăng cao, cần từ bỏ việc xây dựng các sản phẩm xuất khẩu tinh, gia công, thiếu hàm lượng giá trị gia tăng.
 
Đà Nẵng trong cuộc cạnh tranh phải chú trọng các lĩnh vực phát triển kinh tế ngành, sản phẩm du lịch độc đáo ở đẳng cấp cao… Hiện Đà Nẵng đã công bố bộ thủ tục hành chính dựa trên Đề án 30 sẽ là công cụ tốt để mở đầu một bước đột phá ra trường quốc tế” (Tiến sĩ Jim Winkler, Giám đốc Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam).  


Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.