Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu hồi phục, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đang đứng trước những khó khăn chồng chất, thậm chí nhiều DN phải cắt giảm nhân công, cắt giảm chi phí… để tránh phá sản thì ở chiều ngược lại, các ngân hàng (NH) trong nước lại được mùa lợi nhuận. Một nghịch lý rất hiếm thấy, nếu như nhìn sang các nước khác như: Hoa Kỳ, Anh hay Pháp…, tác nhân đầu tiên chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế là NH chứ không phải DN. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến nghịch lý trên?
ACB đạt lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm. |
NH TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đạt lợi nhuận hơn 431 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 28%. NH TMCP An Bình (ABBank) đạt lợi nhuận trước thuế 245,9 tỷ đồng. NH TMCP Phát triển nhà thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2009, với hơn 172 tỷ đồng, sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. NH Kỹ thương (Techcombank) cho biết, 8 tháng đầu năm đạt 1.425 tỷ đồng… Trước đó, NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng công bố mức lợi nhuận trước thuế khoảng 900 tỷ đồng, NH Đông Á (DongA Bank) 385 tỷ đồng, SCB 380 tỷ đồng; NH Sài Gòn 380 tỷ đồng, Ngân hàng Liên Việt 340 tỷ đồng, NH Sài Gòn - Hà Nội 250 tỷ đồng…
Khi các NH đều công bố lợi nhuận, khiến cho các DN ngậm ngùi. Bởi họ là khách hàng chính, mang lại trên 50% nguồn thu cho NH. Càng buồn hơn khi phần lớn các DN phải vật lộn với suy thoái, nhiều nơi báo lỗ, thậm chí đóng cửa, thì NH vẫn ăn nên làm ra. Điều này cho thấy phương châm “Cùng chia sẻ lợi nhuận, thành công với DN...” ở các NH có phần khiên cưỡng.
Ông Nguyễn Quang Thuật, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu FOODINCO cho rằng: Hiện nay, các DN hết sức khó khăn sau cuộc suy thoái kinh tế, nợ xấu các DN với NH ngày càng tăng. Nhiều DN tư nhân chấp nhận phá sản để thành lập DN mới và trốn nợ NH. Trong bối cảnh khó khăn như vậy mà các NH vẫn lãi lớn thì quả là đáng buồn cho DN. Hậu quả của việc đua tăng lãi suất trong nhiều năm qua và các tác động phụ của các giải pháp điều chỉnh của nền kinh tế đều đổ lên đầu DN, nhiều DN phải chết oan. Hiện tại, vẫn có nhiều DN phải trả lãi NH ở mức trên 20% do những hợp đồng vay trước đây.
Có thể thấy rằng, trong cơ cấu lợi nhuận của hầu hết các NH cổ phần, nghiệp vụ cốt lõi như quản lý và kinh doanh tiền tệ, tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế, tài trợ thương mại, tín dụng vẫn chiếm phần lớn. Chẳng hạn Techcombank, mảng NH truyền thống đóng góp 70% lợi nhuận 6 tháng đầu năm, 30% còn lại đến từ các hoạt động kinh doanh và đầu tư khác như trái phiếu, kinh doanh vàng. Riêng hoạt động cho vay với nền kinh tế vẫn chiếm tới 50% doanh thu của Techcombank. Tỷ lệ này ở MB còn cao hơn, 60%. Thậm chí có NH lớn vẫn duy trì tỷ lệ 70%.
Đồng quan điểm với ông Thuật, giám đốc một DN cho rằng: Không chỉ gặp khó khăn trong lãi suất, DN còn gặp khó trong việc mua đôla ở NH với giá cao hơn giá niêm yết, làm cho chi phí đội lên; đó là chưa kể các khoản chi phí “đen”. Điều này, khiến cho DN phải giảm lãi, thậm chí thua lỗ... Và các DN đều cho rằng NH được ưu đãi nhiều hơn DN trong các chính sách.
Nhiều người vẫn thắc mắc rằng: Trong bối cảnh chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra còn rất thấp, kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, vì sao nhiều NH cổ phần vẫn công bố những con số lợi nhuận khá lớn, trong khi DN thì lao đao? Và liệu những con số được công bố này có đáng tin cậy hay không thì phải đợi đến năm sau mới biết được. Tuy nhiên, vấn đề mà các DN bức xúc là nhiều NH hầu như không để ý đến khó khăn của DN mà chỉ lo phần lợi nhuận của mình mà thôi.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN