.

Ngư dân cam chịu để đầu nậu ép giá

.

Trong lúc hoạt động đánh bắt hải sản của hàng trăm ngư dân Đà Nẵng đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do giá vật tư, xăng dầu và nhân công... liên tục tăng, thì từ lâu, các chủ tàu đành phải ngậm ngùi cam chịu để đầu nậu ép giá khi tàu cập bến.

Biết thiệt, nhưng đành chịu!

Giá xăng dầu, đá ướp cá, gas, nhân công tăng… đã gây không ít khó khăn cho các chủ tàu khi ra khơi.TRONG ẢNH: Ngư dân chuẩn bị ngư cụ ra khơi.

23 giờ, tại Cảng cá Thọ Quang - hàng chục chiếc tàu cá sau nhiều ngày vật lộn với sóng gió liên tiếp nối đuôi nhau cập bến. Trên cảng, các đầu nậu đã trực sẵn để chuẩn bị cân đong và bốc cá lên xe. Thấy chiếc tàu mang ký hiệu QNg - 987… của ông Ba vừa cập cảng, một người phụ nữ đã oang oang: “Chuyến này trúng cá hay sao mà về sớm zậy! Cho anh em nghỉ tay làm vài chai rồi cân cá kẻo xe đang chờ”.
 
“Từ từ đã chị Hai. Hàng đợt này “ngon” lắm, chị Hai phải tính giá kha khá để tụi tui đỡ”. Chủ tàu chưa nói dứt lời, đầu nậu đã đáp lại: “Giá cả phải theo thị trường. Lên tính lên, xuống tính xuống. Làm ăn lâu năm rồi, chứ có phải lần một lần hai đâu”.

Sau khi thỏa thuận xong giá, chủ tàu ngớ người vì cá đợt này tươi mà giá lại thấp hơn 1.000 đồng/kg so với giá lần trước. Nhẩm tính với 10 tấn cá bán qua đầu nậu cũng thiệt cả chục triệu đồng. “Hai chuyến trước ra khơi chẳng lời lãi gì, đây là chuyến bám biển ngắn ngày nhất mà lại trúng cá, nhưng không trúng giá nên các chủ tàu thường thiệt nặng khi đầu nậu ép giá. Đã thành lệ rồi, khi “trúng biển” chủ tàu thường bị nậu kéo giá xuống”, ông Ba than thở.

Theo tìm hiểu, giá hải sản mà các chủ tàu bán cho đầu nậu thấp hơn nhiều so với giá mà họ bán lại cho các DN chế biến thủy sản và các đầu mối tiêu thụ khác. Một chủ tàu mang ký hiệu ĐNa -901… cho rằng: Việc các nậu thâu tóm được giá cả thị trường một phần là do các DN thủy sản chưa “mạnh tay” đứng ra thu mua trực tiếp hải sản cho ngư dân. Mặt khác, mối quan hệ giữa nậu và chủ tàu đã gắn bó từ nhiều năm nay, nên chủ tàu cũng không thể bán cá cho mối khác được.

“Ở cảng cá này, đầu nậu cũng được phân ra làm nhiều loại, chẳng hạn tàu đánh bắt cá lớn thì có nậu “đại gia” đứng ra “ôm” gọn, tàu đánh bắt gần bờ, cá nhỏ thì có nậu nhỏ… Nhưng chung quy lại, tất cả chủ tàu đều phải bán hải sản thông qua nậu, dẫu biết bị thua thiệt nhiều so với giá bên ngoài thị trường”, chủ tàu ĐNa-091… nói.

Vì sao DN không trực tiếp thu mua hải sản của ngư dân?

Khi bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất đối với các DN chế biến thủy sản tại Đà Nẵng vẫn chưa tìm ra lời giải, thì các chủ tàu sau mỗi lần cập bến với hàng trăm tấn cá đành phải ngậm ngùi chấp nhận để nậu ép giá một cách trắng trợn. Vậy câu hỏi được đặt ra: Tại sao các DN lại không mua thủy sản trực tiếp của chủ tàu và ngược lại các chủ tàu không bán thẳng cho DN? Trong vai một DN đi thu mua hải sản, tôi tìm đến Cảng cá Thọ Quang để liên hệ, có tiếp xúc với các chủ tàu và đầu nậu mới nhận ra.

Để mua được thủy sản trực tiếp của chủ tàu không phải là điều dễ dàng, bởi hầu hết các tàu đã được đầu nậu cho vay tiền đóng tàu, ngư cụ đánh bắt; thậm chí các chủ tàu còn được nậu ứng tiền mua xăng dầu, gas, đá… khi ra khơi. Thấy chúng tôi hỏi mua cá, anh Vân (chủ tàu ở quận Thanh Khê) nói thẳng: Đại đa số các tàu cập cảng này đâu dám bán “hàng” cho DN. Nếu muốn mua “hàng” với số lượng lớn, các anh liên hệ với bà Mười, bà Hoàng… (các đầu nậu - PV), còn mua số lượng ít thì liên hệ với… “Ở đây bà Mười “ôm” vài chục tàu nên “hàng” lúc nào cũng có sẵn, muốn bao nhiêu cũng được, nhưng giá thì hơi “chát” đấy”, anh Vân nói thêm.

Theo lời mách bảo của anh Vân, tôi tìm đến bà Mười - một đầu nậu được giới buôn bán cá gọi là “đại gia” ở cảng cá này. Theo lời kể của bà Mười, hiện số tiền bà bỏ ra cho gần 30 chủ tàu mượn  để đóng tàu, mua ngư cụ, nguyên liệu… đã lên con số gần chục tỷ đồng, vì thế nên ngày nào cũng có tàu cập bến, nếu ai cần chỉ ới bà một tiếng là có liền.

Theo quan sát của chúng tôi, đối với các chủ nậu “ôm” tàu nhỏ thì công việc cũng chẳng nhàn nhã gì, dường như đêm nào họ cũng phải thức trắng để cân cá cho khách hàng. Với công việc của đầu nậu “đại gia” Mười có vẻ nhàn nhã hơn. Khi tàu cập cảng, bà Mười chỉ việc xuống tàu xem hàng rồi làm giá với chủ tàu, sau đó bán luôn lại cho một đầu nậu khác, mọi việc từ cân đong, bốc cá do bên mua và chủ tàu tự giải quyết. Khi 2 bên cân cá xong, bà Mười quay lại tính tiền, lấy tiền của khách hàng mua cá đem trả cho chủ tàu, số dư còn lại bà đút túi.
 
Theo một số đầu nậu, nếu mua hàng thông qua bà Mười, họ đã phải mất thêm từ 500 - 1.000 đồng/kg so với giá mua trực tiếp từ chủ tàu. Như vậy nếu tính bình quân, trong tổng số 30 tàu bà Mười “ôm”, mỗi ngày 1 tàu cập cảng với số lượng 5 tấn cá, bà Mười đã kiếm được từ 3 - 5 triệu đồng. “Ở cảng cá này có đầu nậu nào đứng ra cho chủ tàu mượn tiền không đâu, lãi suất cho mượn thấp nhất cũng được tính theo lãi ngân hàng, hơn nữa họ đều ra điều kiện khi cập bến phải bán cá cho họ. Tụi tôi không có tiền cho mượn nên đành phải lấy hàng kiểu này đấy”, một đầu nậu mua hàng thông qua bà Mười giải thích.   

Vậy tại sao các DN không đứng ra trực tiếp thu mua thủy sản của ngư dân, mà phải mua thông qua nhiều đầu nậu? Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc BQL và khai thác cảng cá Thuận Phước cho rằng: Dường như chuyện quan hệ giữa đầu nậu và chủ tàu đã trở thành “luật bất thành văn” từ lâu. Hơn nữa, đầu nậu còn đáp ứng được kinh phí cho các chủ tàu mua sắm ngư cụ, nguyên liệu khi ra khơi, nên khi cập bến buộc chủ tàu phải bán lại hàng cho đầu nậu là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, hiện chưa có các DN thủy sản nào dám đứng ra làm việc này nên việc DN muốn mua hàng trực tiếp của chủ tàu cũng rất khó. Nhưng theo Giám đốc một DN chế biến thủy sản tại KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang: Nếu mua hàng trực tiếp của các chủ tàu thì cả DN và chủ tàu đều có lợi về mặt kinh tế, tuy nhiên hiện có rất ít DN đứng ra thu mua trực tiếp thủy sản của ngư dân, một mặt là do đầu nậu “ôm” hết chủ tàu, mặt khác, nếu thu mua trực tiếp của chủ tàu sẽ rất khó cho DN trong khâu chọn lựa, phân loại thủy sản, bởi dịch vụ hậu cần nghề cá không bảo đảm để cho ngư dân làm được việc này.

Không thể phủ nhận vai trò của các đầu nậu trong việc làm đầu mối thu mua cho các DN chế biến thủy sản, nhưng để bảo đảm quyền lợi cho ngư dân, tránh tình trạng đầu nậu ép giá tùy tiện, gây thiệt hại cho ngư dân, thiết nghĩ các ngành chức năng của thành phố cần nghiên cứu một mô hình quản lý hoạt động thu mua thủy sản phù hợp để mang lại lợi ích cho ngư dân.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.