.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN

Không chỉ là chính sách

.

Tổng vốn đầu tư tăng đến 23 lần, trong khi số doanh nghiệp ra đời tăng 4 lần. Đồng thời, tỷ lệ số doanh nghiệp “khai tử” tăng gần 28 lần! Đó là những con số đáng quan tâm qua 6 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” trên địa bàn Đà Nẵng (giai đoạn 2002-2008)

Cùng với chính sách thông thoáng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để kinh tế tư nhân phát triển.

Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo phát triển KTTN, việc tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội đã được đặt ra và thể hiện rõ nét qua Đề án 36/ĐA-UB của UBND thành phố về một số cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển KTTN trên địa bàn thành phố được ban hành từ giữa năm 2002.

Một thuận lợi lớn là trước đó, từ năm 2000, thực hiện Đề án Cải cách hành chính, các cơ quan có liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp (DN) như: Sở Kế hoạch-Đầu tư, Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng... đều giải quyết theo quy trình “một cửa”. Cùng với việc tăng cường hỗ trợ DN về thủ tục, hồ sơ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc... thì việc đơn giản về thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn so với quy định, giảm chi phí gia nhập thị trường cho DN... là những yếu tố tích cực để các DNTN ra đời.

Việc hoàn thiện giải quyết thủ tục hành chính được tiếp tục vào năm 2008, với sự ra đời của cơ chế “Một cửa liên thông” trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu trên địa bàn thành phố. Sở Kế hoạch-Đầu tư đã thành lập trang web http://dkkd.danang.gov.vn để DN đăng ký kinh doanh trực tuyến qua mạng...nhằm giảm chi phí tối đa cho DN.

Bên cạnh việc tạo cơ chế thông thoáng trong thủ tục hành chính, thì việc thành phố có những chính sách ưu đãi riêng cho các DN; hoạch định phát triển thành phố có định hướng và ngày càng xác lập vai trò, vị trí là “đầu tàu” của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung... là những yếu tố quan trọng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho sự ra đời của các DN trong loại hình KTTN.

Nếu năm 2002, thành phố cấp 71 giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư nhưng tổng số vốn đăng ký chỉ mới hơn 1 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2008, có 60 dự án được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đầu tư đến gần 29 nghìn tỷ đồng; năm 2002, giải quyết giao đất, cho thuê đất cho 15 DN với tổng diện tích hơn 66 ha, thì đến năm 2008, con số này  là 59 DN với tổng diện tích 159 ha.

Đồng thời, thành phố đã hình thành và phát triển mạnh các khu công nghiệp để bảo đảm đủ mặt bằng bố trí cho các DN; với 6 khu công nghiệp có tổng diện tích 1.134 ha; trong đó có Khu công nghiệp Đà Nẵng và Khu công nghiệp Hòa Khánh đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh và cho thuê trên 90% diện tích đất; thu hút 209 DN vào hoạt động với tổng vốn các DN thuộc KTTN là hơn 3 nghìn tỷ đồng, chiếm 81% tổng vốn đăng ký.

Chính nhờ những yếu tố thuận lợi có được từ sự lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW, số lượng DNTN trên địa bàn thành phố thời gian qua ra đời nhiều và nhanh, góp phần tích cực vào sự phát triển mạnh mẽ của thành phố. Nếu năm 2002, toàn thành phố có 2.367 DN, thì đến năm 2008 đã có 9.706 DN, tăng gấp 4 lần; trong khi đó, nguồn vốn huy động để đầu tư vào sản xuất kinh doanh của khối KTTN đã tăng đột biến, với tổng vốn đăng ký của năm 2008 đạt 10.928 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần so với năm 2002.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của KTTN cũng bộc lộ những điều đáng lo ngại. Nếu tổng số vốn đăng ký kinh doanh tăng 23 lần từ năm 2002 đến năm 2008, thì tỷ lệ DN tuyên bố phá sản cũng tăng lên đáng kể. Nếu năm 2002, tỷ lệ này chỉ ở mức 0,8% trên tổng số DN đăng ký mới, thì đến năm 2008 tỷ lệ này lên đến 22,36%, tăng gấp gần 28 lần!

Theo nhìn nhận của các nhà quản lý, thì việc gia tăng đáng kể tỷ lệ DN phá sản là do các DN thuộc KTTN chưa có sự phát triển bền vững; quá trình đầu tư của các DN chỉ mang tính tự phát, mùa vụ, theo những biến động nhất thời của thị trường mà không chú trọng vào việc xây dựng các giải pháp cụ thể để tận dụng những cơ hội, tiềm năng, lợi thế của thành phố. Nguyên nhân cụ thể được xác định từ nhiều phía, chứ không chỉ từ bản thân các DN.

Theo đó, cùng với việc thiếu phương hướng phát triển lâu dài, bền vững, thiếu chủ động trong liên kết sản xuất kinh doanh..., thì một yếu tố góp phần không nhỏ vào việc phá sản của các DNTN là thiếu vốn lưu động, khó vay vốn từ các tổ chức tín dụng, từ đó dẫn đến không có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường... nên dễ lâm vào khủng hoảng. Việc kiện toàn bộ máy và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với KTTN cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Đó là việc xây dựng đội ngũ cán bộ cho công tác hậu kiểm khi chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng; vì vậy hoạt động kiểm tra sau đăng ký kinh doanh ngày càng trở nên quá tải và chưa có được sự hướng dẫn cụ thể từ cấp trên nên lúng túng. Công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu mới thực hiện đối với các DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc không chấp hành pháp luật, mà chưa đến giai đoạn giúp DN phòng ngừa, tránh sai sót, vi phạm...

Từ thực tế đó, cho thấy còn nhiều việc phải làm trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh KTTN trong tổng hòa phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, khai thác những lợi thế trong việc phát triển loại hình kinh tế này trong giai đoạn mới.

Bài và ảnh: Anh Quân

;
.
.
.
.
.