.
Phiên chợ Hàng Việt tại Đà Nẵng

Thị trường nội không hẹp

.

Diễn ra chưa tới 3 ngày, từ chiều 18 đến chiều 20-9, phiên chợ Hàng Việt tại KCN Hòa Khánh thực sự là một cuộc mở màn cho chiến dịch hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thành phố

Động viên các DN hướng vào thị trường nội địa.

Chỉ với 30 gian hàng của 15 DN tham gia - một con số rất khiêm tốn đối với một sự kiện thương mại là hội chợ, tuy nhiên, những gì DN nỗ lực để mang hàng đến đây là sự ghi nhận rất lớn từ phía những DN tham gia và họ đã gặp những người tiêu dùng “thứ thiệt”.

Là những DN đi đầu của thành phố trong những năm qua, Công ty CP Dệt Hòa Khánh, Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Vinatex, Công ty CP Dược Danapha, Công ty TNHH BQ, Phước Thái, Hương Quế, Minh Anh… tạo được dấu ấn đối với người dân tại hội chợ lần này. Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH BQ cho biết: “Có lẽ đến thời điểm này, chúng tôi mới có cơ hội để tìm hiểu thị trường vùng ven.

Đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách bán hàng sao cho phù hợp với thị trường trong nước và xu hướng tiêu dùng nội địa. Lâu nay, các DN ít chú ý đến thì bây giờ sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đầu tư”. Cụ thể hơn, DN này đã tìm cách tiếp cận người dân có thu nhập trung bình bằng chính sách giảm giá mặt hàng giày dép. “Đây cũng là cách quảng bá tốt nhất của DN nếu muốn người dân chú ý đến mình” - ông Hải nói.

Qua trao đổi trực tiếp và khảo sát thông qua các mặt hàng, một số DN cung ứng hàng thực phẩm, may mặc đã tìm ra lời giải đáp. Tâm lý người dân nông thôn rất khó chấp nhận với sản phẩm mới, nhưng một khi đã chấp nhận họ sẽ không quên. Một trong những thương hiệu dược phẩm tại Đà Nẵng được chú ý là Công ty CP Dược Danapha.
 
Trong gian hàng có sẵn nhiều loại, có một cái bàn nhỏ ghi dòng chữ “Bàn tư vấn sức khỏe” đã gây chú ý đối với nhiều công nhân và cư dân vùng Liên Chiểu – Hòa Vang. Ông Nguyễn Quang Trị, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Danapha thổ lộ: “Đây là dịp chúng tôi thử test với người dân vùng ven. Thực ra, bản thân mạng lưới của Danapha đã thâm nhập vào vùng ven, nhưng cũng chưa tự tin lắm với thị trường này. Dược phẩm là sản phẩm đặc thù có sự cạnh tranh khá quyết liệt giữa hàng nội và hàng ngoại, nên buộc chúng tôi phải xác định vấn đề chất lượng”.

Theo các DN Đà Nẵng, mặc dù họ rất mạnh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhưng ngay thị trường Đà Nẵng, việc tìm kiếm khách hàng lại trở nên khó khăn. Chúng tôi cũng có những tìm hiểu xung quanh vấn đề “hàng nhà không thiêng” và được biết nguyên nhân là do vấn đề quảng bá hình ảnh không được quan tâm, mặc dù chất lượng không thua kém.

Đơn cử nước mắm Phước Thái – Nam Ô, một thương hiệu được ưa chuộng với người dân phía Bắc, nhưng đối với nhiều nông dân Hòa Vang, họ chưa hề biết đến Phước Thái. Trong khi đó, số các thương hiệu địa phương ngoài địa bàn Đà Nẵng và cả của nước ngoài lại là sản phẩm tiêu dùng hằng ngày của người dân địa phương. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân chưa thực sự quan tâm đến hàng nội địa là do giá cả.

Rất nhiều hàng Việt qua khảo sát cho thấy, chưa tốt hoặc giá cao là trở ngại đối với người có mức thu nhập thấp và trung bình. Qua hội chợ, hàng thời trang của Vinatex, Hòa Thọ giá rất mềm. Một chiếc áo sơ mi cho người lớn của Hòa Thọ chỉ 80.000 đồng, tương đương với giá áo chợ, nhưng rất đẹp và khá bền. Có rất nhiều người tụm lại bên những quầy hàng để chọn mua, mặc dù túi tiền của những người nông dân và công nhân không nhiều…Có những câu hỏi và lời giải, chỉ sau hội chợ này, DN mới ngộ ra…

D. ANH

;
.
.
.
.
.