.
Quy hoạch đô thị ở Ngũ Hành Sơn

Cần một cách nhìn tổng thể cho tương lai

.

Hàng chục dự án xây dựng cơ bản triển khai từ năm 2003 đến nay đã đẩy quá trình đô thị hóa ở quận Ngũ Hành Sơn phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên những băn khoăn, trăn trở về việc đồng bộ hóa các dự án xây dựng, sao cho quy hoạch hiện tại không ảnh hưởng đến sự mở rộng và phát triển của cơ cấu dân cư trong tương lai.

Nhà ở tại các khu dân cư ở quận Ngũ Hành Sơn không theo một quy hoạch kiến trúc chung nào.

Vấn đề quy hoạch đô thị tại Ngũ Hành Sơn trở thành một trong những tiêu điểm mà chính quyền thành phố Đà Nẵng tập trung nhằm tạo lập nên một đô thị hiện đại. Trong quá trình hàng chục dự án đang triển khai ở Ngũ Hành Sơn, chính quyền quận luôn trăn trở với câu hỏi: làm sao việc quy hoạch phải tính đến những phần diện tích đất dự trù cho tương lai? Điều băn khoăn của chính quyền quận không phải là không có căn cứ.
 
Tính đến nay, quy hoạch đô thị ở Ngũ Hành Sơn gần như đã sử dụng triệt để phần diện tích đất đai hiện có của quận. Dọc bãi biển Ngũ Hành Sơn đã được lấp đầy bởi các khu du lịch, sân golf, khách sạn, nhà ở cao cấp. Phía tây của quận cũng được quy hoạch sân golf, trường học, làng đại học, khu công nghệ… Các khu dân cư được bố trí xen kẽ và nằm bên cạnh các dự án lớn.

Một thực tế mà lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn đề cập đến là sự thu hẹp diện tích của các khu tái định cư, trong khi đó, những khu du lịch, sân golf thì có thể rộng đến hàng trăm ha. Điều này phải chăng sẽ tạo nên sự trở ngại cho việc phát triển trong tương lai, vì nếu như dân số gia tăng thì liệu có đủ diện tích đất ở để bố trí cho người dân.

Đó là chưa kể đến những công trình dân sinh, công trình công cộng dành cho cư dân địa phương như: trường học, khu vui chơi giải trí, chợ, bệnh viện. Nếu không có một cái nhìn tổng thể, hướng đến hàng chục năm sau thì trong tương lai, liệu có còn những khoảng không gian đủ rộng để xây dựng những công trình nói trên?! Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND quận cho rằng, đối với việc quy hoạch đô thị ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố cần nghiên cứu không gian quy hoạch cho thỏa đáng, nếu không có thể dẫn đến sự lãng phí.

Hiện nay, hệ thống giao thông của quận Ngũ Hành Sơn dựa trên hai trục chính là đường Sơn Trà-Điện Ngọc và đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa. Những đường xương cá nối với hai trục chính này chưa được tính đến một cách thấu đáo. Và thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, những đường ngang cắt hai trục chính vẫn chỉ là những tuyến đường dân sinh vừa chật hẹp, vừa thiếu sự đấu nối đồng bộ với tuyến đường chính. Như vậy, quy hoạch đô thị ở Ngũ Hành Sơn cần tính toán khoa học, kỹ lưỡng về mật độ dân cư, lưu lượng phương tiện giao thông trong tương lai để bố trí hệ thống đường giao thông một cách hợp lý.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần lưu giữ những dấu ấn đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử nhằm tạo nét đặc trưng riêng trong kiến trúc đô thị tại đây. Sự ra đời của dự án Công viên văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận đã đáp ứng phần nào yêu cầu này. Tuy nhiên, ra khỏi không gian công viên này, liệu có thể bắt gặp những nét văn hóa, lịch sử trong kiến trúc đô thị của quận? Với quy hoạch hiện tại, thì hầu như khó có thể tìm ra một nét riêng đặc trưng của quận Ngũ Hành Sơn. Về kiến trúc nhà ở và công trình công cộng, theo ông Huỳnh Đức Thơ nhận xét thì đất chia theo từng lô nhỏ, nhà ở thì chủ yếu dàn hàng ngang, không theo một quy hoạch kiến trúc chung nào, mạnh ai nấy “sáng tác”.

Từ năm 2003 đến nay, quận Ngũ Hành Sơn đã rất tích cực trong việc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các chủ dự án. Tuy nhiên, không ít dự án dù đã có đất nhưng vẫn dậm chân tại chỗ, triển khai cầm chừng để đối phó với chính quyền. Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, một số dự án như khu du lịch sinh thái đảo nổi Đồng Nò, các dự án du lịch ven biển, bãi tắm công cộng tuy đã quy hoạch, cam kết đầu tư, nhiều dự án đã có mặt bằng nhưng chậm triển khai thực hiện.

Dự án khu đô thị mới Phú Mỹ An dù cơ bản đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhưng việc xây dựng các công trình nhà ở còn bỏ ngỏ, làm chậm tốc độ phát triển của khu vực. Thực tế này đặt ra yêu cầu là thành phố không nên vội vã cấp giấy phép đầu tư cho các dự án xây dựng nếu chưa xem xét thấu đáo năng lực của nhà đầu tư, nhu cầu thực tế của địa phương, sự đồng bộ với những quy hoạch hiện có và những tính toán về diện tích đất dành cho sự phát triển trong tương lai. Liệu chính quyền thành phố có mạnh dạn xóa bỏ quy hoạch dành cho những dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển đô thị của quận?

Có thể thấy, quy hoạch đô thị ở quận Ngũ Hành Sơn là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền thành phố. Không phải cứ lấp đầy dự án là tạo nên một đô thị mới, hiện đại. Quan trọng là việc quy hoạch phải tạo ra không gian sống thuận tiện, tốt cho sự phát triển đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm lưu giữ những nét văn hóa, lịch sử của vùng đất Ngũ Hành Sơn, đồng thời, bản quy hoạch đó phải hấp dẫn và có hiệu quả cho sự phát triển bền vững của thế hệ hiện tại và mai sau.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.