.

Sản lượng hải sản giảm - vì sao?

.

So với các năm trước, năm nay thời tiết trên biển thuận lợi hơn nhiều, số lượng tàu thuyền ít biến động và thị trường đầu ra hải sản thuận lợi... Thế nhưng sản lượng hải sản giảm đáng kể; trong tháng 8 ngư dân toàn thành phố chỉ đánh bắt được 3.000 tấn, nâng tổng sản lượng hải sản từ đầu năm đến nay lên 27.600 tấn, thấp hơn cùng kỳ gần 8%.

Thu nhập thấp làm cho ngư dân ngày càng xa biển.

Nguyên nhân nào dẫn đến hoạt động đánh bắt hải sản kém sôi động và sản lượng giảm? Trước hết, cơ sở hậu cần nghề cá biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đánh bắt trên biển. Cảng cá Thuận Phước di dời sang âu thuyền Thọ Quang gây khó cho tàu thuyền công suất lớn vào cập cảng nhận trả hàng, nên nhiều tàu không vào Đà Nẵng bán hải sản.
 
Môi trường tại âu thuyền Thọ Quang ô nhiễm, dẫn tới việc tàu ngoại tỉnh ngại về Đà Nẵng. Vì vậy, lưu lượng tàu thuyền vào cảng bán hải sản chỉ bằng 40-50% so hồi còn ở cảng cá cũ. Ông Võ Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết: Nhiều tàu của địa phương đánh bắt ở vùng biển xa bờ thường ghé vào các tỉnh phía Bắc bán hải sản. Tình trạng này chỉ xảy ra thời gian gần đây, nhất là từ ngày di dời cảng cá. Từ đầu năm đến nay, ngư dân trong quận đánh bắt được 10.709 tấn hải sản các loại, đạt 66,1% kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ năm trước  9,6%.  

Nguyên nhân thứ hai là số tàu bám biển giảm, hay nói đúng hơn tàu nằm bờ nhiều. Thực trạng này có nhiều nguyên do, trong đó giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm và đá lạnh tăng, trong khi đó giá hải sản không tăng, dẫn đến thu nhập của ngư dân thấp, thậm chí có chuyến bị lỗ, làm cho họ không thiết tha ra khơi. Năm 2008, ngư dân được sự hỗ trợ tiền dầu của Chính phủ nên tích cực bám biển. Còn nay, giá dầu tăng 1.500 đồng/lít so hồi đầu năm mà không có sự hỗ trợ nào, giá đá lạnh cũng tăng 500 đồng/cây, trong khi giá một số loại hải sản giảm mạnh.

Ông Lê Văn Thương, ở tổ 6, phường Xuân Hà (Thanh Khê), chủ cặp tàu ĐNa 90104, ĐNa 90159 loại trên 100 CV, cho rằng: Giá dầu tăng liên tục, ra khơi cầm chắc lỗ. Vốn ít phải phụ thuộc vào đầu nậu, khi trở về không chỉ giá hải sản hạ mà còn chịu sức ép của đầu nậu nên tính ra “bạn” thu nhập rất thấp. Đã vất vả mà thu nhập thấp, liệu có còn ai gắn bó với biển?    

Nguyên nhân thứ 3 làm cho sản lượng hải sản giảm, đó là ngư trường ngày càng bị thu hẹp do áp lực của các tàu lạ trên biển. Sau nhiều vụ ngư dân các địa phương khác bị tàu lạ bắt giữ, đòi tiền chuộc, ngư dân không dám vươn khơi đến các vùng vốn từ trước đến nay là ngư trường thuận lợi. Ông Từ Văn Ri, ở tổ 8, Nại Hiên Đông, ngư dân trên tàu ĐNa 90289 là tàu được phép vào đánh bắt tại vùng đánh cá chung với số hiệu V1189, cho hay: Trước đây, vào đánh bắt ở khu vực đó không hề chi. Còn nay vào là bị tàu lạ rượt đuổi. Có khi bỏ cả lưới chạy tháo thân. Hiện ở Sơn Trà, tàu đánh bắt xa bờ đã giảm từ 63 chiếc xuống còn 60 chiếc.

Trước thực trạng trên, để đẩy mạnh đánh bắt hải sản trên biển, chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm đến hoạt động sản xuất của ngư dân bằng các chính sách khả thi như có thể hỗ trợ một phần tiền dầu, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân vay vốn, ngăn chặn tình trạng mất an ninh trật tự tại cảng cá, tình trạng ép cấp, ép giá của đầu nậu, sớm cải thiện ô nhiễm môi trường tại cảng cá Thọ Quang…

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu       

;
.
.
.
.
.