.

Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế với vùng Đông Bắc Á

.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhưng những hoạt động kết nối tăng cường hợp tác phát triển kinh tế với các nước vùng Đông Bắc Á tại Đà Nẵng đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét như tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và gần đây là xúc tiến mở các đường bay đến Hồng Kông, Nhật Bản…

Định vị Đà Nẵng

Vijachip- công ty sản xuất bột giấy và trồng rừng nguyên liệu hoạt động có hiệu quả tại Đà Nẵng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá rằng, Đà Nẵng có vị trí và vai trò quan trọng trong việc kết nối kinh tế giữa Việt Nam với các nước vùng Đông Bắc Á. Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ tác động mạnh mẽ lên sự phát triển các nước vùng châu Á- Thái Bình Dương. Đà Nẵng sẽ là cửa ngõ để các quốc gia Đông Bắc Á bước vào một thị trường rộng lớn khu vực sông Mê Kông.

Ngay tại hội nghị các quan chức giao thông vận tải ASEAN lần thứ 27 mới đây diễn ra ở Đà Nẵng, nhiều vị khách quốc tế đã nhìn nhận: Thành phố Đà Nẵng có quá nhiều thay đổi. Hệ thống giao thông mở rộng, các điều kiện dân sinh, xã hội được cải thiện, đã vẽ nên một khung cảnh hấp dẫn cho những nhà đầu tư mong muốn tìm những địa chỉ đặt nền móng làm ăn mới.

Trong nhiều năm liền, dư luận trong nước luôn nhìn nhận về những thay đổi tích cực của thành phố Đà Nẵng như địa phương tiên phong cải cách thủ tục hành chính, “chiêu hiền đãi sĩ”, tiên phong ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử, tiên phong tái lập kỷ cương giao thông, tiên phong cải cách các chính sách ưu đãi nhà đầu tư, “trải thảm đỏ” khích lệ thu hút vốn…

Tư duy đột phá của Đà Nẵng còn được thể hiện thông qua định hướng lựa chọn thế mạnh kinh tế chủ lực mà chính quyền địa phương quyết tâm xoay chuyển trong thời gian qua. Từ một địa phương chú ý phát triển sản xuất công nghiệp, kể từ đầu thế kỷ 21, thành phố Đà Nẵng đã tập trung vào dịch vụ thương mại, tài chính và du lịch.

Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng bày tỏ, thay đổi định hướng này được cân nhắc rất kỹ trên cơ sở những tiềm năng, cơ hội mà bối cảnh phát triển kinh tế, vị trí đầu tàu khu vực miền Trung mang lại cho Đà Nẵng.

Tuy nhiên, nếu thiếu đi sự kiên quyết, mạnh dạn dám nghĩ dám làm, vừa chỉnh vừa tiến, thành phố Đà Nẵng khó mà thành đạt như thế. Trong hai năm qua, hàng chục dự án đầu tư đô thị cao tầng, cao cấp với đòi hỏi phải tạo ra diện mạo một thành phố hiện đại và thân thiện môi trường đang được triển khai ở đây là chứng minh Đà Nẵng đi đúng hướng, ngày càng tạo nên nhiều động lực mới để tiến lên từ trong tư duy, trong cách làm táo bạo của Đà Nẵng.

Chủ động kết nối các nền kinh tế

Ngày 12-9, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và thành phố Đà Nẵng đã khởi động chương trình quảng bá du lịch Việt Nam tại Nhật Bản với chủ đề “Vietnam Show 2009”. Chương trình này đã bắt đầu ở thành phố Sakai thuộc tỉnh Osaka, nơi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam vừa mới khai trương trụ sở mới vào đầu tháng 9-2009, với các hoạt động biểu diễn văn nghệ, đặc biệt là múa và âm nhạc truyền thống, trình diễn thời trang, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhiều người dân Nhật Bản. Tiếp đó là các sự kiện diễn ra ở thành phố Nagoya và cuối cùng về tại thủ đô Tokyo.
 

“Từ chỗ bỡ ngỡ trong thói quen đàm luận thận trọng, giữ lời hứa chính xác đến ký biên bản kinh tế mà chữ tín đặt lên hàng đầu, thành phố Đà Nẵng đã kết nối quan hệ hợp tác bền vững với 5 tỉnh, thành phố của Nhật Bản; mở văn phòng đại diện tại Tokyo.

Đà Nẵng hiện thu hút 30 dự án đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn 200 triệu USD. Đà Nẵng mở quan hệ ngoại thương với 45 DN Nhật Bản và kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt trên 212 triệu USD mỗi năm” - ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng.

Riêng tại thủ đô Tokyo, cùng với “Vietnam Show 2009”, lễ hội “Xin chào Việt Nam!” sẽ được tổ chức tại công viên thành phố. Ban tổ chức ước tính sẽ có khoảng 100.000 người tham dự sự kiện này. “Vietnam Show 2009” là một trong những chương trình quảng bá du lịch Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản. Mục đích tổ chức sự kiện này là nhằm giúp người dân xứ sở hoa anh đào hiểu hơn về đất nước Việt Nam và qua đó, thu hút du khách Nhật tới Việt Nam du lịch.

Mới đây, Công ty CP Du lịch Việt Nam - Vitours tại Đà Nẵng đã xúc tiến mở đột xuất chuyến bay trực tiếp từ Đà Nẵng - Hồng Kông - Đà Nẵng. Đây là chuyến bay thuê có chủ đích khai thác du lịch, xúc tiến đầu tư được sự hỗ trợ từ phía Vietnam Airlines, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Action Asia Events (Hồng Kông) sẽ đưa gần 150 du khách Hồng Kông vào Đà Nẵng và miền Trung. Ngược lại, Vitours cũng tổ chức cho 160 du khách ở miền Trung đi du lịch Hồng Kông.

Tại Đà Nẵng, Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA) cũng tìm đến đặt quan hệ khai thác thị trường du lịch tại Đà Nẵng và miền Trung để mở đường bay trực tiếp Nhật Bản - Đà Nẵng - Xiêm Riệp. Ông Sasaki Takashi, Phó Chủ tịch JATA cho biết, Đà Nẵng đang tập trung cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch.

Ông Hiroyuki Moribe - Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) sẽ có hiệu lực từ 1-10-2009. Theo đó, nhiều mặt hàng Việt Nam xuất sang Nhật sẽ được xóa bỏ thuế quan. Từ 1-10-2009, hầu hết các mặt hàng của Việt Nam xuất vào Nhật sẽ được xóa bỏ ngay hoặc được giảm thuế theo từng khoảng thời gian cụ thể. Đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp xuất sang Nhật sẽ được xóa bỏ thuế. Đối với lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, nhiều mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế. 
 
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.