.
Xây dựng “Năm đô thị sạch – 2009”

Đà Nẵng có kịp về đích?

.
Theo Hiệp hội các đô thị (HHCĐT) Việt Nam, việc lựa chọn, bình xét và suy tôn đô thị sạch trong cả nước sẽ diễn ra vào Ngày Đô thị Việt Nam (8-11-2009). Như vậy từ nay đến ngày bình xét chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, liệu Đà Nẵng có đạt đủ 12 tiêu chí do HHCĐT Việt Nam xây dựng? Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với NGUYỄN ĐÌNH ANH (ảnh) Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố  về vấn đề này.

.

* P.V: Sau hơn một tháng triển khai xây dựng “Năm đô thị sạch - 2009”, các  ngành, địa phương đã làm được những gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đình Anh:
Sau khi nhận được công văn của HHCĐT Việt Nam về việc tổ chức thi đua “Năm đô thị sạch - 2009” dựa theo 12 tiêu chí do HHCĐT Việt Nam xây dựng, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở TN-MT đã phối hợp với các sở, ban, ngành cùng các quận, huyện xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai “Năm đô thị sạch - 2009” tại Đà Nẵng từ tháng 8-2009.
 
Hiện nay, việc triển khai xây dựng đô thị sạch theo 12 tiêu chí do HHCĐT Việt Nam xây dựng, Đà Nẵng đã thực hiện đạt trên 70% tiêu chí; trong đó có một số tiêu chí vượt mức quy định như: tỷ lệ thu gom rác thải, đội ngũ thu gom, số thùng rác, tỷ lệ đường đô thị/nông thôn nhựa hóa hoặc bê- tông hóa. Đối với các tiêu chí còn lại như: tổ chức lễ phát động, các hoạt động tuyên truyền, sáng kiến đô thị sạch, UBND thành phố đã có chỉ đạo cụ thể đối với từng đơn vị có liên quan để thực hiện.
 
Thuận lợi lớn nhất trong việc xây dựng đô thị sạch là do thành phố đã triển khai thực hiện đề án Thành phố môi trường đến năm 2020, vì vậy các ngành chức năng đang phấn đấu để Đà Nẵng được bình chọn “Năm đô thị sạch - 2009”, tạo tiền đề xây dựng thành công thành phố xanh và thân thiện môi trường trong thời gian đến.

* P.V: Trong quá trình thực hiện “Năm đô thị sạch - 2009”, Đà Nẵng có gặp khó khăn gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đình Anh:
Về cơ bản, việc thực hiện Năm đô thị sạch là khá thuận lợi. Nhưng trong quá trình triển khai còn gặp những vướng mắc và khó khăn, chẳng hạn như: Việc tuyên truyền phổ biến đến từng người dân, đơn vị, doanh nghiệp để động viên mọi người hưởng ứng và tham gia hoạt động Năm đô thị sạch chưa kịp thời.

Một số tổ chức, cá nhân chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của Năm đô thị sạch đối với thành phố nói chung và người dân nói riêng, nhất là cần hiểu rằng việc xây dựng đô thị sạch sẽ góp phần bảo vệ môi trường của thành phố được trong lành, bảo vệ sức khỏe người dân và còn làm tăng giá trị của thành phố đối với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, do triển khai kế hoạch từ giữa năm nên sự tham gia của các tổ chức đoàn thể vào hoạt động này chưa nhiều, chưa đồng bộ, có thể hạn chế kết quả thực hiện. Một khó khăn nữa là làm thế nào động viên mọi tổ chức, cá nhân có nhiều sáng kiến để gìn giữ thành phố được sạch và ngày càng sạch hơn.

* P.V: Hiện thời gian thực hiện Năm đô thị sạch không còn nhiều, liệu Đà Nẵng có kịp về đích?

- Ông Nguyễn Đình Anh:
Đúng là còn rất ít thời gian để thực hiện đạt đủ 12 tiêu chí “Năm đô thị sạch - 2009”, tuy nhiên hiện các ngành chức năng, các địa phương vẫn đang ráo riết thực hiện tốt nhiệm vụ đã được phân công theo sự chỉ đạo của UBND thành phố. Và trong năm nay, có thể việc triển khai thực hiện các tiêu chí đô thị sạch chỉ đạt khoảng 70% mức chỉ tiêu, nhưng chúng ta sẽ tăng dần tỷ lệ này trong những năm tiếp theo, để rồi Đà Nẵng sẽ được thừa nhận là đô thị sạch thực sự của cả nước.

* P.V: Cảm ơn ông!

Theo HHCĐT Việt Nam: Để trở thành đô thị xanh - sạch  - đẹp, các thành phố phải đạt được 12 tiêu chí,  bao gồm: Toàn bộ số xã, phường tổ chức lễ phát động thi đua Năm đô thị sạch và  đạt ít nhất 80% trở lên; Có nhiều hình thức, hoạt động tuyên truyền, cổ động cho phong trào thi đua; Có nhiều sáng kiến làm  sạch đô thị; Các đường phố được quét dọn sạch sẽ, toàn dân không  vứt và đổ rác ra đường; Tỷ lệ thu gom và vận chuyển rác thải ra  khỏi nội thành, nội thị hằng ngày đạt từ 80% khối lượng trở lên;

Tỷ lệ xã, phường có đội ngũ thu gom rác đạt từ 70% trở lên; Số  thùng rác đặt ở nơi công cộng trên 1.000 dân; Tỷ lệ đường nội  thành, nội thị được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa đạt từ 75% diện tích trở lên; Tỷ lệ đường thôn, làng, xóm, ấp, bản được nhựa hóa hoặc bê-tông  hóa đạt từ 60% diện tích trở lên; Tỷ lệ hè phố ở nội thành, nội  thị được lát gạch hoặc bê-tông hóa đạt từ 70% diện tích trở lên; Tỷ lệ doanh nghiệp có xử lý nước thải đạt từ 50% diện tích trở lên; Số các cơ sở sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường ở nội thành, nội  thị đạt mức thấp nhất.


Trọng Hùng (Thực hiện)
;
.
.
.
.
.