Xí nghiệp Cơ khí kết cấu là đơn vị quan trọng của Công ty CP Cơ điện miền Trung. Nếu như trước đây, công ty chỉ sản xuất, chế tạo các chi tiết phục vụ cho việc sửa chữa, thay thế các thiết bị của ngành Điện trong khu vực thì đến nay, với sự phát triển mang tính đột phá về công nghệ của Xí nghiệp Cơ khí kết cấu, đã góp phần quyết định để công ty trở thành nhà thiết kế, chế tạo hàng đầu các thiết bị cơ khí của ngành Điện, đặc biệt là đối với các nhà máy thủy điện đã và đang được xây dựng trên cả nước.
Sản xuất ống áp lực cho Nhà máy thủy điện An khê có đường kính trên 6m. |
Vật liệu chế tạo hạng mục này yêu cầu rất cao về cơ tính (ứng suất đàn hồi > 420 Mpa và ứng suất bền > 550 Mpa) tương đương với 4,2 tấn đến 5,5 tấn trên 1 cm2. Vật liệu hàn cũng phải có cơ tính tương đương (que hàn có đầu số 8), đây là chủng loại que hàn đặc chủng không thông dụng trên thị trường và trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu. Chất lượng mối hàn phải được kiểm tra bằng phương pháp siêu âm, trong đó kết quả kiểm tra dưới biên dạng xung (truyền sóng siêu âm) phải được ghi lại bằng thiết bị chuyên dụng để chủ đầu tư lưu trữ và kiểm chứng. Công tác thiết kế phải bảo đảm hệ số an toàn, chống bóp méo tối thiểu là n=5.
Trước đây, toàn bộ các thiết bị này đều phải nhập của nước ngoài, hoặc do các nhà thầu nước ngoài cung cấp và cho dù có trúng thầu tham gia xây dựng các công trình thủy điện lớn, các đơn vị của Việt Nam chỉ là các nhà thầu phụ với việc chế tạo, thiết kế các chi tiết không quan trọng. Xác định được tầm quan trọng của khâu yếu này, nhiều năm qua, nhất là từ khi công ty chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty CP và trở thành thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công ty đã chọn việc đổi mới, đầu tư cho Xí nghiệp Cơ khí kết cấu làm khâu đột phá trong quá trình đổi mới công nghệ.
Việc chế tạo thành công 4.713 tấn đường ống và thiết kế hạng mục của toàn bộ hạng mục đường ống thủy lực của Nhà máy Thủy điện Sơn La - nhà máy có công suất lớn nhất Đông Nam Á hiện nay - trước thời hạn hơn 1 năm vừa qua là thành công của một quá trình đầu tư, đổi mới công nghệ của xí nghiệp.
Chuẩn bị thiết bị xây dựng cơ sở tạm tại hiện trường để sản xuất ống áp lực cho Nhà máy thủy điện Sơn La. |
|
Sau đó, xí nghiệp đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn xác lập các quy trình chế tạo phù hợp với các tiêu chuẩn quy định của công trình và quốc tế. Đến nay, xí nghiệp đã có một hệ thống thiết bị tiên tiến nhất khu vực, như các loại máy hàn laser, máy hàn leo tự động, máy kiểm tra mối hàn bằng quang phổ và chế tạo thành công nhiều máy chuyên dụng phù hợp với việc thi công các công trình di động, nhưng có yêu cầu kỹ thuật cao như các thiết bị của các nhà máy thủy điện.
Được sự hỗ trợ của công ty, hầu hết cán bộ kỹ thuật, công nhân của xí nghiệp được đào tạo hoặc tập huấn ở nước ngoài hoặc mời các chuyên gia về trực tiếp giảng dạy. Đến nay, 100% công nhân có bằng hàn đạt tiêu chuẩn quốc tế, một đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ, năng động, có khả năng đáp ứng được hầu hết các hạng mục cơ khí thủy lực của các nhà máy thủy điện đang xây dựng như Nhà máy Thủy điện An Khê, Khe Bố, KRông Hnăng...
Các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được phát động thường xuyên. Chỉ riêng việc chế tạo đường ống cho Nhà máy Thủy điện Sơn La trong hơn một năm có 2 sáng kiến quan trọng như: Thiết kế sàn phù hợp với công nghệ đặc thù và sáng kiến di chuyển cổng trục 2 x 10 tấn hoạt động trên 3 mặt bằng đã làm lợi trên 1,3 tỷ đồng và rút ngắn thời gian thi công hơn 1 năm. Năm 2008, xí nghiệp đã thiết kế, chế tạo thành công 4.500 tấn thiết bị cơ khí thủy công và 1.600 tấn thiết bị cơ khí khác, 8 tháng đầu năm nay đã chế tạo 6.200 tấn thiết bị cơ khí thủy công và thiết bị cơ khí khác, tạo thuận lợi để công ty bảo đảm tiến độ thi công các công trình trên toàn quốc.
Với sự thành công và không ngừng lớn mạnh của Xí nghiệp Cơ khí kết cấu là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Công ty CP Cơ điện miền Trung trở thành một đối tác quan trọng của các nhà thầu quốc tế đối với các công trình xây dựng nhà máy thủy điện và tạo ra nhiều ưu thế để công ty thắng thầu nhiều công trình điện trong nước.
Bài và ảnh: Đức Thịnh