.

Ăn nên làm ra tại Đà Nẵng

.

Mặc dù vào Đà Nẵng khá muộn (2006) so với nhiều DN khác của Nhật Bản và nhiều DN nước ngoài khác, nhưng Công ty Mabuchimotor Đà Nẵng đã nhanh chóng trở thành một trong những DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn về lao động (5 nghìn công nhân) và giá trị hàng hóa làm ra tại các KCN. 9 tháng đầu năm 2009, trong khi một số DN khác còn loay hoay tìm đơn hàng, tìm đối tác mới, sản xuất bị đình trệ thì công  ty vẫn tiếp tục tuyển công nhân và đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 23 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2008.

Bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Đến với công ty vào một ngày sau cơn bão số 9, chúng tôi ngạc nhiên khi nhân viên bảo vệ yêu cầu vào phòng kiểm tra nhiệt độ cơ thể. Sau khi được biết đây là một yêu cầu mà bất cứ ai đến liên hệ công tác với công ty vào thời gian này (có dịch cúm A/H1N1) phải thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây nhiễm của căn bệnh này vào công ty, tôi đã hình dung được phần nào các chính sách đối với người lao động.
 
Qua tìm hiểu tôi được biết, ngoài việc trả lương cho công nhân theo luật định, người mới vào là 1,8 triệu đồng và được tăng lương định kỳ theo năng suất và chất lượng sản phẩm, công nhân còn được ăn bữa ăn giữa ca tùy chọn miễn phí và một số chế độ khác. Tại nhà ăn 2 tầng đủ chỗ cho gần 3.000 người, sạch sẽ và thoáng mát, tôi nhìn thấy bảng chỉ dẫn khá cụ thể như: ăn mặn - tầng dưới, cá - tầng trên… Nhà ăn căn cứ vào nhu cầu của công nhân một cách tương đối để nấu các món sao cho đủ và phù hợp với khẩu vị của họ.

Nhờ vậy, công nhân có đủ sức khỏe để làm việc, năng suất, chất lượng lao động cũng ngày càng cao. 6 tháng đầu năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên đơn hàng có giảm, tuy nhiên công ty đã cố gắng để không sa thải công nhân, chuyển một số đơn hàng ở các nước khác qua Việt Nam, bảo đảm ổn định đời sống người lao động.  Hiện tại, tỷ lệ hàng phế phẩm, hàng phải chỉnh sửa do công nhân làm hỏng đã giảm, chỉ còn khoảng dưới 10%. Ông Takemoto Tatsuya, trợ lý giám đốc (nói tiếng Việt khá giỏi) cho biết, công ty cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hàng hỏng để có điều kiện nâng cao thu nhập cho công nhân và có lãi.

Với chiến lược sẽ chuyển khoảng 40% sản lượng, việc làm của tất cả các cơ sở ở nước ngoài của tập đoàn sang Việt Nam vào năm 2010, công ty vừa đưa vào khai thác các phân xưởng đầu tư giai đoạn 2 tại Đà Nẵng. Với quy mô như vậy, công ty sẽ sản xuất khoảng 100 triệu motor/năm vào năm 2010. Các sản phẩm chủ yếu được xuất sang các nước có ngành công nghiệp sản xuất thiết bị thông tin, truyền thông có uy tín trên thế giới.

Để hoàn thành khối lượng sản phẩm lớn này, công ty sẽ tuyển thêm khoảng 2.500 lao động vào năm tới. Và cũng với chiến lược đầu tư lâu dài tại Đà Nẵng, ngoài việc đầu tư thiết bị, công nghệ, công ty có chiến lược đầu tư nguồn nhân lực khá bài bản để đến thời điểm nhất định, người Việt Nam sẽ quản lý, điều hành hầu hết quá trình sản xuất, từng bước chuyển giao công nghệ.
 
Đến nay, về cơ bản, đội ngũ cán bộ chủ chốt người Việt Nam được đào tạo đều đảm đương tốt công việc được giao, từng bước thay thế nhiều vị trí của người Nhật tại công ty. Đối với đội ngũ công nhân, ngoài việc đào tạo chuyên môn, công ty còn quan tâm giáo dục tác phong làm việc, ý thức của người lao động (như chấp hành giờ giấc…), đồng thời cũng phát huy thế mạnh của người Việt Nam như cần cù, thông minh để dễ dàng trong việc chuyển giao công nghệ về lâu dài.

Cũng như nhiều DN Nhật Bản khác đầu tư vào Việt Nam, Công ty Mabuchimotor Đà Nẵng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và các chế độ chính sách đối với người lao động. Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên được tạo điều kiện hoạt động. Ông Hideo Hosoya, Giám đốc công ty, đánh giá cao sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng thành phố trong việc tạo điều kiện để công ty hoạt động thuận lợi.

Ông cũng mong muốn thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển hạ tầng cơ sở một cách đồng bộ tại khu công nghiệp. Chẳng hạn như công ty muốn làm tốt việc xử lý nước thải hơn nữa nhưng do hạ tầng cơ sở và công tác quản lý nói chung chưa tốt, nên công ty cũng gặp khó khăn trong việc triển khai.

Nhiều cơ sở xử lý chưa tốt nước thải nhưng vẫn thải vào hệ thống thoát nước chung của khu công nghiệp, ảnh hưởng toàn hệ thống thoát nước và đến môi trường chung. Ngoài ra, một số dịch vụ khác cũng cần được cải thiện như giá dịch vụ ở cảng, ổn định trong cấp điện... nhằm tạo thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất hiệu quả.
 
Bài và ảnh : Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.