.

Bao giờ cho hết mùa đông?

.

Thế mạnh du lịch biển, núi, sông của Đà Nẵng không thể phát huy tác dụng trong mùa mưa bão. Dù đang là mùa khách quốc tế, các hãng lữ hành quốc tế vẫn chật vật đón khách, còn lữ hành nội địa gần như “ngủ đông” vì số khách trong nước đặt tour không đáng kể.

Khu du lịch chỉ đón khách... mùa hè

Tổ chức những buổi gặp gỡ với các đối tác nước ngoài để doanh nghiệp tìm cơ hội khai thác nguồn khách quốc tế.

Giảm giá hàng loạt nhiều mặt hàng và tổ chức thật nhiều những hoạt động trong nhà là những giải pháp hữu hiệu để thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng trong mùa mưa lũ, theo ý kiến của ông Amir Ahmad Mohamad, người đã từng làm Tổng quản lý (TQL) nhiều khách sạn (KS) cao cấp khu vực Đông Nam Á, và hiện là TQL của KS 5 sao Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng. Ông Amir nói: “Khi các hoạt động ngoài trời không thể thực hiện được vào mùa mưa, người ta có thể chống dù đi shop mua sắm, và vào nhà hát xem biểu diễn nghệ thuật”.

Trên thực tế, nhiều khu du lịch (KDL) của Đà Nẵng gần như được xây dựng chỉ để... phục vụ khách du lịch mùa hè. Sau đợt bão vừa rồi, các KDL Suối Hoa, Suối Lương, Biển Đông đều hư hỏng nặng, cây cối ngã đổ rất nhiều.

Có nơi còn thông báo phải đến Tết mới đón khách trở lại. Anh Trần Toàn, Phó Trưởng Ban quản lý Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (NHS) cho hay: “Mỗi đợt bão lớn, chúng tôi phải mất đến 4 ngày không bán vé”. Các trò chơi dân gian hay những hoạt động khác như cưỡi ngựa, câu cá, dã ngoại, đốt lửa trại... đều bị xếp xó. Chưa kể, khách du lịch ở nhiều KS, resort ven biển còn được đưa vào các KS trung tâm để tránh bão”.

Mặc dù đang là mùa khách quốc tế, nhưng lượng khách này đến Đà Nẵng không nhiều. KS Green Plaza thông báo công suất phòng chỉ tròm trèm 52%. Lượng khách quốc tế đến danh thắng NHS, theo ông Toàn, chưa bằng nửa các năm. Vitours cũng cho biết số khách nước ngoài mà công ty khai thác giảm đến 15% so với năm ngoái.

Nhiều tour, phòng giảm giá để hút khách

Giảm giá đồng loạt tại các cửa hiệu, khu mua sắm để “kéo” khách tiêu tiền khi đến Đà Nẵng trong mùa mưa.

 

Mùa khách nội địa đã kết thúc vào đầu tháng 9. Trong khi các hãng lữ hành quốc tế chật vật khai thác khách và đối phó với việc hoãn tour, thay đổi điểm đến nếu miền Trung “hứng” bão, lũ, thì nhiều hãng lữ hành nội địa gần như “cúm giò” vì số lượng khách trong nước đi du lịch mùa mưa không đáng kể. Ông Vương Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phương Đông Việt chia sẻ: “Từ tháng 10, vì khách quá ít, một số công ty lữ hành nội địa nhỏ gần như đóng cửa để giảm chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước...”. Theo ông Dũng, số khách nội địa đặt tour chỉ bằng khoảng 40% so với mùa hè.

Trước tình hình đó, mỗi doanh nghiệp đều tự đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để hút khách. Ông Dũng cho biết giảm giá các tour 10-15% so với mùa hè. Riêng đối với tour trọn gói “Vòng quanh thành phố” và “Con đường Di sản miền Trung”, ông đưa ra mức giá giảm 20%. Tương tự, Công ty Du lịch Việt Đà áp dụng chính sách giảm khoảng 20% giá xe vận chuyển tùy vào số lượng khách thuê.

Cùng lúc, Việt Đà đang kết hợp với Công ty Nam Việt và Tạp chí Du lịch giải trí tổ chức chương trình “Điểm hẹn tình yêu Đà Lạt 2009” vào 31-12 năm nay, dành cho các cặp đôi với nhiều gói giá rẻ cho khách lựa chọn. Các KS 4-5 sao đều có các chương trình “Ở 2 đêm được tặng 1 đêm”. Ông Amir, TQL KS Hoàng Anh Gia Lai nói: “Nếu khách hàng ở 2 đêm, nhưng không muốn ở nữa, họ có quyền “ký sổ”, và lần sau khi họ tới, họ ở 2 đêm chỉ cần trả tiền 1 đêm. Đó là một trong những cách “kéo” khách trở lại”.

Đây cũng là thời gian thích hợp, khi khách nội địa không đông, dịch vụ không quá tải, để DN quyết liệt chào các tour MICE (du lịch công vụ) dành cho doanh nhân hoặc khách tham dự các hội thảo, hội nghị. Ông Dũng cho hay: “Chúng tôi thiết kế tour cho khách dự hội nghị, sau đó dự Gala dinner (tiệc tối). Tùy tình hình thời tiết, tiệc có thể được tổ chức trong nhà hoặc ngoài trời”. Theo ông Amir, MICE sẽ bù lại lượng khách sụt giảm, bởi khách MICE có chi tiêu cao và sử dụng hầu hết các dịch vụ mà DN có.

Ông Amir Ahmad Mohamad (ảnh), Tổng quản lý KS Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng: “Lập kế hoạch cho nhiều năm, và không nhất thiết phải thành công ngay”.

 “Trong mùa mưa, các nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, nhà hát... cần thống nhất đưa ra các mức giá giảm ít nhất là 10% trong cả mùa mưa, dưới sự điều hành của “nhạc trưởng” là chính quyền địa phương và các Sở Công thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Tăng cường các hoạt động trong nhà như ca nhạc, các giải đấu thể thao, và nhất là những show diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống mang bản sắc địa phương chẳng hạn như hát tuồng, cồng chiêng.

Các doanh nghiệp, nhà quản lý phải ngồi lại để đưa ra kế hoạch thu hút khách trong nhiều năm. Phải đặt ra câu hỏi: Cần làm gì cho mùa cao điểm năm sau tốt hơn năm trước và mùa thấp điểm nhiều khách hơn? Có thể năm đầu tiên, kế hoạch chưa thành công ngay, nhưng hãy kiên trì thực hiện để tạo cho du khách một thói quen: trong tháng nào, mùa nào, Đà Nẵng sẽ có gì hấp dẫn? Không chỉ một, hai DN xúc tiến du lịch, mà là tất cả mọi người, mọi nơi, mọi DN.


Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.