.

Bước đi đúng của công nghiệp quận Cẩm Lệ

.

Ngay sau khi thành lập quận, Quận ủy và HĐND quận Cẩm Lệ đã xác định cơ cấu kinh tế giai đoạn 2005-2010 là công nghiệp (CN)- thương mại dịch vụ (TMDV) - nông nghiệp (NN). Trên cơ sở đó từng bước dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến sau năm 2015, cơ cấu kinh tế là TMDV-CN-NN. Để thực hiện được mục tiêu này, quận đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Cùng với sự nỗ lực của các DN, sau gần 4 năm thực hiện, đến nay, cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra.

Công nhân Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Giang Phước Tường đang sản xuất ống nước áp lực cho nhà máy thủy điện nhỏ.

Hiện nay, toàn quận đã có trên 700 DN, trung bình mỗi năm có trên 100 DN được thành lập mới, tổng vốn đầu tư tăng từ 143 tỷ đồng năm 2006 lên 651 tỷ đồng vào năm 2008 và 748 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9 năm 2009. Bình quân mỗi năm vốn đầu tư tăng thêm 217 tỷ đồng. Trong đó, riêng DN dân doanh có tốc độ tăng trưởng trung bình 40%/năm và tạo ra hàng trăm việc làm mới, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn quận.

Riêng các hộ cá thể, tính đến đầu tháng 9-2009, có 2.363 hộ có đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký hoạt động hơn 140 tỷ đồng. Nếu tính cả giá trị của DN trung ương, địa phương quản lý, mỗi năm ngành CN đã đóng gần 80% ngân sách quận. Với đà tăng trưởng như vậy, dự báo đến năm 2015, trên địa bàn sẽ có từ 1.100 - 1.200 DN.
 
Tuy nhiên, nếu xét cơ cấu giá trị do địa phương quản lý (DN dân doanh), giá trị tạo ra từ các DN hoạt động thương mại, dịch vụ lại cao hơn giá trị tạo ra từ các DN sản xuất từ 10-15 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1994). Điều này cho thấy định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn quận là đúng hướng, đạt được mục tiêu đề ra, để đến năm 2015 cơ cấu kinh tế của quận sẽ là TMDV-CN-NN.

Trong 9 tháng đầu năm 2009, số lượng DN thành lập khá cao, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên số lượng DN giải thể, chuyển địa bàn, bỏ kinh doanh và tạm nghỉ cũng không ít, tăng 50% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện có sự biến chuyển lớn trong SXKD của DN. Sự tác động tích cực từ gói kích cầu hỗ trợ lãi vay của Chính phủ đã có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy, khuyến khích các DN đầu tư phát triển sản xuất, nhất là việc cho vay đối với các DN dân doanh.

Đến nay, các ngân hàng trên địa bàn quận đã giải ngân theo các gói kích cầu của Chính phủ được 212,753 tỷ đồng. Trong đó, cho vay theo QĐ 131/QĐ-TTg có 59 DN và 284 hộ sản xuất vay 163,18 tỷ đồng, cho vay trung dài hạn theo QĐ 443/QĐ-TTg đạt 1,03 tỷ đồng, cho vay theo khu vực nông thôn theo QĐ 497/QĐ-TTg chỉ có 1 hồ sơ vay 5 triệu đồng.

Kết quả, có 85 - 90% DN đã phục hồi sản xuất, 30% DN có nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô, chi nhánh mới, góp phần giảm giá thành sản xuất do nguồn nguyên liệu, vật liệu đầu vào giảm từ 3-5% so với năm 2008. Nhìn chung, theo khảo sát của Phòng Kinh tế quận và một số cơ quan chức năng, hầu hết các DN đều đánh giá tích cực việc phát triển SXKD trong các tháng cuối năm 2009 và năm 2010.

Ông Hà Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho biết, nhờ có gói kích cầu của Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực của quận, DN của ông đã có bước phát triển đáng kể, giải quyết được nhiều lao động trên địa bàn với mức thu nhập khá. Trong năm 2009, công ty có đủ việc làm cho trên 50 lao động, không một công nhân nào phải nghỉ việc.

Hiện nay, công ty đã ký được hợp đồng có đủ việc làm cho công nhân đến tháng 6-2010, trong đó có cả hợp đồng với các tỉnh Tây Nguyên. Các DN dân doanh sản xuất các nghề truyền thống được phát huy, thu hút lao động ngày càng nhiều như Bánh khô mè Bà Liễu, Công ty TNHH Phước Hùng đã tăng kim ngạch xuất khẩu đáng kể với mặt hàng chủ đạo là đàn và các sản phẩm mỹ nghệ khác… Đặc biệt, Công ty Nhật Linh (có trên 100 lao động) đã có uy tín trong phạm vi cả nước với mặt hàng truyền thống là đồ dùng và dụng cụ học tập.

Thành quả mà ngành CN quận Cẩm Lệ đạt được trong 4 năm qua còn có sự đóng góp tự thân của các tổ chức hội, đoàn thể, nhất là Hội DN quận. Ông Lê Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội DN quận cho biết, tuy mới đi vào hoạt động, số lượng hội viên chưa nhiều, nhưng hội đã tổ chức được nhiều hoạt động bổ ích như bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực quản lý DN, trình độ, chuyên môn cho nhiều cán bộ quản lý của các DN, nhất là các DN dân doanh, nhờ vậy họat động SXKD của các DN cũng hiệu quả hơn.

Tuy còn nhiều việc phải làm nhưng có thể khẳng định, ngành CN đã góp phần quyết định vào việc thực hiện các mục tiêu KT-XH của quận, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động, tạo tiền đề cơ bản cho việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế trên địa bàn quận.

Bài và ảnh : Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.