.

Đi lên từ biển

.

Trải bao thăng trầm, từ một xí nghiệp đông lạnh chuyên sơ chế hàng để cung cấp cho thị trường trong nước, đến nay, sau hơn 30 năm xây dựng, dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã trở thành DN làm hàng xuất khẩu có giá trị lớn của thành phố. Với trên 2.500 lao động, mỗi năm công ty xuất khẩu từ 4.000 đến 5.000 tấn hàng hóa các loại.

Xe đến ăn hàng ra cảng xuất khẩu.

Đặc biệt, trong đó có tới 70% lượng hàng hóa được đưa ngay vào các siêu thị, bán trực tiếp cho người tiêu dùng, không phải qua một công đoạn sản xuất, đóng gói nào của các đối tác nhập khẩu. Đây là một trong số ít DN xuất khẩu hải sản (thực phẩm) trong nước làm được việc này

Có được thành quả này là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, bền bỉ của tập thể cán bộ, công nhân công ty. Để trực tiếp đưa được hàng hóa vào các siêu thị của các nước, nhất là hàng thực phẩm, các sản phẩm của công ty phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe của các cơ quan chức năng các nước nhập khẩu. Đơn cử như muốn đưa hàng hóa vào nước Anh và đưa ra bán tại các siêu thị thì sản phẩm của công ty phải được Tổ chức tiêu chuẩn chất lượng của Liên đoàn bán lẻ Anh công nhận, cấp chứng chỉ (BRC), hoặc được cấp chứng chỉ GMP của châu Âu về thực hành sản xuất tốt và chứng chỉ HACCP về kiểm soát các điểm tới hạn của Mỹ...

Để có được một trong số các chứng chỉ này là cả quá trình xây dựng, chẳng hạn như nhà xưởng phải sạch sẽ, thiết bị phải hiện đại. Điều này rất khó khăn đối với các DN nhỏ, ít vốn và chỉ riêng việc đổi mới thiết bị đã là một rào cản rất lớn đối hầu hết các cơ sở chế biến hải sản của Việt Nam hiện nay, chưa kể các yêu cầu khác về quản lý. Tuy nhiên, với quyết tâm từ xuất khẩu nguyên liệu đến xuất khẩu các mặt hàng ăn liền, 5 năm qua, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 2 nhà máy chế biến với thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế với công suất trên 5.000 tấn sản phẩm/năm.

Gần đây nhất, công ty vừa đưa vào vận hành nhà máy thứ 5 với giá trị đầu tư 50 tỷ đồng, nhằm tăng công suất của cả công ty lên gần 6.000 tấn/năm. Với 2 nhà máy hiện đại này, công ty đã nâng giá trị hàng xuất khẩu trực tiếp và bán ngay cho người tiêu dùng không qua chế biến lên 70% giá trị sản lượng hàng hóa xuất khẩu. Nhờ vậy, giá trị hàng hóa được tăng lên nhiều, giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhanh.

Nếu như năm 2006, công ty chỉ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 18,2 triệu USD và không có lãi thì đến năm 2008, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 31,5 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 4,7 tỷ đồng;  9 tháng đầu năm 2009, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 23 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Dự kiến năm 2009, công ty sẽ đạt khoảng 35 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu. Kết quả này càng có ý nghĩa khi ngành xuất khẩu thủy sản cả nước giảm từ 5% đến 8% so với cùng kỳ năm 2008. Thu nhập của người lao động từ đó được cải thiện đáng kể, hiện nay thu nhập bình quân 1,85 triệu đồng/người/tháng, tăng 60% so với năm 2006.

Thành quả của công ty ngày nay gắn liền với vai trò quan trọng của Giám đốc Trần Văn Lĩnh. Sinh ra trong một làng nghèo ven biển Thanh Khê, tuổi thơ của ông gắn liền với những kỷ niệm vui buồn của người dân sống bằng nghề biển. Ông hiểu được giá trị của những sản vật từ biển và những mất mát, khổ đau mà người dân biển phải trả để đem được những sản vật từ biển về nuôi sống gia đình. Ông nhớ mãi những ngày giỗ tập thể của những người xấu số (trên cùng một chiếc tàu, hay gặp nạn trong cùng một cơn bão) trong những năm tháng tuổi thơ ông.

Trong những ngày này, trẻ con thì vui đùa, ăn uống thỏa thích, còn người lớn thì ăn miếng cơm đầy nước mắt và đau đáu nhìn ra biển để hy vọng vào một điều không tưởng. Mặc dù không nuôi tằm, ươm tơ nhưng các gia đình trong làng đều trồng dâu chỉ để làm một mục đích duy nhất là nếu có một người nào đó trong làng đi biển không may bị bão tố thì những cành dâu này dùng làm những xương hình nhân (thay cho người xấu số) để gia đình và làng làm lễ an táng, sau này con cháu, người thân có mộ để thờ.
 
Tôi lặng người khi nghe ông đọc những câu ca ai oán về người phụ nữ làng chài: “Thà nằm đất với mụ bán hương. Chứ không nằm giường với em bán cá”. Người nông dân mất mùa chỉ mất thành quả lao động của một vụ, còn người dân biển mất mùa, đôi khi mất cả tài sản và sinh mạng. Nhờ ông tôi mới hiểu đúng và hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ: “Mất cả chì, lẫn chài”.

Quyết tâm xây dựng DN của ông có một động cơ rất lớn từ trong sâu thẳm của những ký ức từ làng biển quê ông. Đó là làm thế nào để nâng tầm giá trị sản vật của biển và công sức mà người dân biển nói chung, người dân biển quê ông nói riêng, được xã hội và người tiêu dùng hiểu đúng giá trị. Từ đó ông và đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu để tìm cho được con đường đưa hàng hóa của công ty - thành quả lao động của người dân biển - đến với thế giới.

Ông luôn quán triệt cho cán bộ, công nhân phải biết coi trọng, tiết kiệm từng con cá, không lãng phí bằng cách phải làm ra những sản phẩm có chất lượng. Trong cơn bão số 9 vừa qua, ông đã chỉ đạo cho tất cả các tổ thu mua nguyên liệu phải mua hết cá, nhưng không ép giá ngư dân vì bão. Việc làm của ông không những có đủ việc làm cho công nhân ngay sau bão đi qua, mà còn giúp cho người dân biển cơ hội có những chuyến ra khơi tiếp theo.

Tôi cứ tự hỏi: “Không biết có phải đó chính là bí quyết thành công mà công ty đã đạt được ngày nay?”. Hy vọng với động cơ, đạo đức kinh doanh của Giám đốc Trần Văn Lĩnh và những bước đi đúng đắn trên con đường hội nhập quốc tế, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.