.

Đồ dùng gia đình thiếu trầm trọng

.

Cơn bão số 9 đi qua, hàng trăm ngôi nhà vùng trũng thấp đã bị nước lũ cuốn sạch trơn những đồ dùng trong nhà. Không còn lo chạy gạo từng bữa, nhưng nhiều người dân vẫn không biết xoay xở đâu ra tiền để mua hàng tiêu dùng thiết yếu.

Người ở trên nóc, đồ đạc dưới bùn

Mất hết đồ đạc, nhiều hộ dân chịu cảnh thiếu thốn.

Ông Nguyễn Văn Tân, trú thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong (Hòa Vang) cho biết: Sau khi được thông báo chuẩn bị lo chống bão, ông cũng như nhiều gia đình khác lo gói ghém những đồ dùng quan trọng, kê các vật dụng lên nóc nhà, nhưng vì trần nhà yếu không thể “mang” cả người, heo, gà, lúa và các vật dụng khác.

“Tránh được bão, chứ đâu tránh được nước lớn vô nhà. Nhà tui còn phải dành chỗ cho gần 20 người tới núp bão, do đó nhiều thứ đồ dùng trong nhà đành phải ngâm dưới nước chờ nước rút rồi xuống nhặt. Nhưng khi lũ qua, bị ngâm dưới bùn non lâu quá, cái thì hư, cái thì mất”. Ông Trần Văn Thạnh, Trưởng thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong nói:
 
“Đúng là bà con chỉ lo chuẩn bị lương thực, đồ ăn dùng đủ trong 10 ngày, còn nhiều vật dụng thiết yếu khác thì đành bỏ trôi. Biết là tiếc, nhưng tính mạng quan trọng hơn cả. Sau này sắm lại sau”. Tuy nhiên, cho đến nay gần nửa tháng sau bão, nhiều gia đình thiếu vật dụng trầm trọng. Thậm chí, đến cái lược cũng phải chạy qua nhà hàng xóm dùng “ké”.

Đường vào xã Hòa Tiến sau bão, nhiều đoạn dẫn vào nhà dân rất khó đi, nhất là các thôn Cẩm Nê, Thạch Bồ, Lệ Sơn 1, 2, An Trạch, La Bông... bị ngập 100%. Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: “Xã đã chỉ đạo nhân dân chuẩn bị dự phòng lương thực, thực phẩm để dùng dài ngày trong và sau bão, lũ, cho nên chưa xảy ra tình trạng thiếu đói. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn không kịp chạy đồ dạc trong nhà”. Tìm đến một số hộ trong vùng lũ ngập trắng để tìm hiểu tình hình cụ thể, chúng tôi được biết có đến 15 hộ thuộc diện khó khăn đặc biệt rơi vào vùng ngập 100%.

Theo thống kê của UBND huyện Hòa Vang, ước tính riêng thiệt hại về tài sản, máy móc, vật dụng sinh hoạt của người dân các xã lên đến 8,5 tỷ đồng.

Cần hỗ trợ mua hàng thiết yếu

Cần những phiên chợ hàng giá rẻ phục vụ nông thôn.

 

Tìm hiểu đời sống một số gia đình ở xã Hòa Phong, chúng tôi được biết, hiện nay, với cái ăn cho cả vụ mùa đương là vấn đề khó khăn. Đối với những gia đình có con em đi học càng nan giải gấp bội lần. Loay hoay với mấy thúng gạo ở chợ Túy Loan, chị Nhung (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong) nói như trách: “Đi chợ thấy bán hàng quá trời mà không có cách chi mua được. Sau lũ, bán được mấy ang gạo chỉ đủ mua đồ ăn cho hai đứa nhỏ, bữa mô cũng thiếu trước hụt sau”.

Nhà ông Ngô Kim (thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến) thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã, lại nằm ngay rốn lũ của khúc sông chảy qua. Ông Kim được đưa đi tránh lũ ở nhà một người con có nhà cao hơn. Trong nhà còn hai anh Ngô Ngọc Vinh và Ngô Ngọc Quang chưa có gia đình riêng. Nhìn gian nhà trống trơn, còn ngập bùn đất mà cám cảnh. Vật dụng trong nhà không còn lại thứ gì đáng giá, đến nồi niêu soong chảo cũng bị trôi theo nước lũ. Những khó khăn hiện hữu trên khuôn mặt khắc khổ của anh Quang: “Sau lũ, mọi thứ bây giờ đều cần cứu trợ, chứ lũ vào cuốn trôi mất tất cả”.

Đến nay, hầu hết các xã đã chuyển hàng cứu trợ của thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp phân phát cho nhân dân. Mặc dầu vậy, người dân cho biết, không có ý định ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, nhưng bà con thắc mắc: “Cứu trợ thực phẩm tốt rồi, nhưng cũng cần hỗ trợ đồ dùng trong nhà. Làm sao có phiên chợ bán mấy thứ hàng đồ dùng giá rẻ để chúng tôi mua lại được?”. Được biết, đã có một số doanh nghiệp ủng hộ lương thực, dầu ăn, nhưng hiện tại bà con những nơi này đang rất cần đồ dùng đã mất trắng sau bão như quần áo, chăn chiếu, bột giặt, thau nhựa...

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.