.

Dùng vốn kích cầu ở Hòa Quý

.

Chương trình hỗ trợ lãi suất (LS) cho nông dân vay vốn kích cầu tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn đã thực hiện hơn 7 tháng. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ nông dân vượt qua khó khăn, giữ vững sản xuất và bảo đảm được thu nhập.

Bằng nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất, nhiều hộ nông dân ở Hòa Quý đã đầu tư vào chăn nuôi bò.

Khi nói về gói hỗ trợ LS cho vay vốn kích cầu của Chính phủ, ông Lê Văn Thức, trú tổ 15 phường Hòa Quý vui mừng cho biết: Ngay sau khi có thông tin về việc hỗ trợ LS vốn vay để mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, gia đình tôi liền gấp rút làm thủ tục và vay được 49 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Ngũ Hành Sơn để mua máy cày, máy gặt và máy làm đất. Từ những chiếc máy này mà thu nhập của gia đình tăng lên, cuộc sống được bảo đảm, con cái được học hành đầy đủ.  

Ở Hòa Quý giờ đây đã có nhiều hộ nông dân khá lên nhờ nguồn vốn vay này như gia đình bà Lê Thị Bé ở tổ 31 Khái Tây 1, gia đình bà Trần Thị Bích Mai ở tổ 16 Khái Tây 2 vay tiền chăn nuôi; gia đình bà Hồ Thị Đây ở tổ 2 Khuê Đông vay tiền mua máy cày… Không ít gia đình đã có của ăn của để và tái đầu tư sản xuất. Hầu hết nguồn vốn vay này được nông dân Hòa Quý tập trung vào chăn nuôi. Một số khác đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp... Đặc biệt là đầu tư vào máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nét đặc biệt ở chương trình hỗ trợ LS vay là thu hút đông đảo hộ nông dân thuộc diện nghèo tham gia. Theo số liệu của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Ngũ Hành Sơn, tính đến nay, trên địa bàn toàn quận có 1.071 hộ được vay theo chương trình hỗ trợ LS, với tổng dư nợ cho vay 14,45 tỷ đồng. Trong đó, 9,4 tỷ đồng cho hộ nghèo, 1,79 tỷ đồng cho sinh viên, 2,74 tỷ đồng cho vay theo diện giải quyết việc làm... Riêng Hòa Quý được vay gần 2 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ LS ở Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Ngũ Hành Sơn trên 71 tỷ đồng với khoảng gần 7.000 hộ được vay.

Hiệu quả từ chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất ở Hòa Quý không dừng lại ở việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, mà còn góp phần đa dạng hóa các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Thức, từ ngày có máy của ông, giá thuê việc cày, cắt lúa, làm đất… giảm hẳn, từ 55 nghìn đồng/sào bung đất xuống còn 40 nghìn đồng/sào. Theo đó, bà con nông dân cũng được hưởng lợi.

Hiệu quả của nguồn vốn kích cầu đã thấy rõ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đó là việc triển khai đến các đối tượng thụ hưởng chính sách này còn chậm. Các thủ tục hành chính vẫn còn quá rườm rà khiến không ít nông dân nản lòng.

Ông Lê Văn Thức bên chiếc máy cày mới mua.

 

Mặt khác, theo Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ, máy móc, thiết bị mua phải là loại sản xuất trong nước, nhưng hầu hết sản phẩm nằm trong danh mục được hỗ trợ LS thì có loại không có trên thị trường, có loại không đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân. Ông Thức than phiền: “Để có máy cày đủ công suất, tôi phải mua thêm một máy cày sản xuất ở nước ngoài, vì máy sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng là một bất cập mà các cơ quan chức năng cần tháo gỡ cho nông dân chúng tôi”.  

Nhiều nông dân ở Hòa Quý cho biết, chủ trương này đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất để tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp, phù hợp với mục tiêu thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị, có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.