Trước đây, không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác trên cả nước, hàng Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm này, ở một khía cạnh nhỏ là lĩnh vực may mặc, hàng Việt Nam chất lượng cao đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Khách hàng đến mua hàng dệt may của Công ty Vinatex Đà Nẵng. |
Cùng sở thích “sính” hàng nội như chị Quyên, anh Vũ, cán bộ làm việc tại phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) nhận định: So với trước đây, chất lượng hàng dệt may của các DN trong nước hiện nay đã bảo đảm hơn. Nhiều sản phẩm thời trang của Việt Nam tôi thấy không thua kém gì hàng ngoại nhập. Đã từ lâu, tôi chỉ sử dụng áo sơ-mi của các công ty trong nước như Việt Tiến, Hòa Thọ, Vinatex. Những mặt hàng của các DN này, chất lượng thực sự tốt. Hàng giặt nhiều lần vẫn đẹp, không cũ nát như hàng hóa của Trung Quốc. Bên cạnh đó, hàng của công ty thường được niêm yết giá rõ ràng nên không phải mặc cả, rất thuận lợi cho khách hàng.
Hiện tại, thị trường Đà Nẵng đã xuất hiện không ít cửa hàng thời trang mang biển hiệu “Made in Vietnam” và thu hút một lượng lớn khách đến mua sắm. Nhiều người khẳng định: Các sản phẩm may mặc “Made in Vietnam” đều có chất lượng khá tốt. Giá bán sản phẩm trung bình từ 70-240 nghìn đồng/áo; 100-350 nghìn đồng/quần.
Nhân viên cửa hàng kinh doanh hàng may mặc thời trang trên đường Lê Duẩn cho hay: Nếu lúc trước, khách hàng quan tâm nhiều đến mẫu mã và giá thành thì nay đã bắt đầu chú ý đến chất lượng của sản phẩm. Hàng may mặc Việt Nam thực sự đang được người tiêu dùng đón nhận nhiều. Riêng đối với trang phục trẻ em, xu thế dùng hàng nội dần thay thế hàng ngoại khá rõ.
Bên cạnh các cửa hàng bán các sản phẩm dệt may trong nước, hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm may mặc của Dệt may Hòa Thọ, Vinatex từ lâu được người tiêu dùng thành phố biết đến. Đặc biệt phù hợp với CBCC do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Đáp ứng niềm tin của người tiêu dùng, các DN dệt may trong nước cần tập trung đầu tư cho khâu thiết kế để phát triển mẫu sản phẩm phù hợp hơn với nhiều đối tượng người tiêu dùng. Hơn nữa, cần mở rộng kênh phân phối, bán hàng đến với người dân. Theo ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng - cho biết:
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị cần được thực hiện kiên trì để làm giảm hoặc thay đổi tâm lý “sính” hàng ngoại đối với người tiêu dùng. Thị trường trong nước không khó tiếp cận, cái chính là mỗi DN phải có sự đầu tư lâu dài, tùy theo sản phẩm mà định hình kênh phân phối cho phù hợp, chấp nhận sự phân chia thị trường, từ đó dần xây dựng hình ảnh, thế mạnh của riêng mình.
Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH