Xuất khẩu hàng sang Nhật vốn không dễ đối với nhiều DN trong nước. Lâu nay, các loại hàng hóa của Việt Nam khi qua Nhật bị rất nhiều trở lực. Tuy nhiên, từ ngày 1-10, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) bắt đầu có hiệu lực, nhiều mặt hàng XK vào thị trường này được xóa bỏ thuế quan.
Cởi trói thuế suất nhiều mặt hàng XK
Thủ công mỹ nghệ là mặt hàng xuất khẩu có giá trị của thành phố. |
Đối với lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, nhiều mặt hàng như cải bó xôi đông lạnh từ 6%, ớt piment từ 3% sẽ được xóa bỏ thuế trong 5 năm; bắp ngọt từ 6%, gia vị cà-ri từ 3,6% được xóa bỏ thuế trong 7 năm; cà phê rang từ 10%, trà xanh từ 17% được xóa thuế trong vòng 15 năm. Mặt hàng mật ong tự nhiên từ 25,5% sẽ được hạn ngạch thuế quan còn 12,8% trong hạn ngạch hoặc với khung đó từ 100 tấn của năm thứ nhất tăng mỗi năm 5 tấn, đến năm thứ 11 và sau đó là 150 tấn; sốt cà chua từ 17% giảm còn 1/2 trong 5 năm.
Với các mặt hàng thủy sản như tôm từ mức thuế 1-2% hiện nay sẽ được xóa bỏ thuế ngay; bạch tuộc đông lạnh từ mức thuế 5%, cá kiếm đông lạnh 3,5% sẽ được xóa bỏ thuế trong 5 năm; sầu riêng và đậu bắp được xóa bỏ thuế ngay trong 1-10 này. Để thực hiện Hiệp định VJEPA giai đoạn 2009-2012, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 158 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng thuế suất VJEPA phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Đẩy mạnh XK sản phẩm địa phương
Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng đề án Định hướng phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực địa phương đến năm 2020. Trong những năm qua, thị trường Nhật Bản luôn được các doanh nghiệp XK quan tâm.
Đối với những sản phẩm chủ lực của thành phố như thủy sản đông lạnh (bao gồm cá, tôm, cua, mực..) xuất sang Nhật Bản chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) mặt hàng thủy sản của Đà Nẵng. Quần áo may sẵn dù không phải là thế mạnh nhưng quốc gia này chiếm tỷ trọng 10,7% giá trị KNXK, hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất XK qua Nhật chiếm 16-20%, …
Tuy nhiên, do yêu cầu ngày càng khắt khe với những sản phẩm XK qua Nhật, các DN trong nước sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho các mặt hàng. Chẳng hạn như phải chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng và chế biến thủy sản; tăng cường cải tiến mẫu mã, công nghệ dệt may; không ngừng cạnh tranh với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực.
Với một thị trường chiến lược như Nhật Bản, theo định hướng của ngành Công thương, sẽ phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 23-25%.
Theo đó, sẽ đưa mục tiêu những mặt hàng XK có thế mạnh như thủy sản đông lạnh tăng bình quân 25-28%/năm; cùng với sản phẩm may mặc, giày các loại chiếm tỷ trọng 15%, đồ gỗ mỹ nghệ chiếm 20%. Đà Nẵng đã có Văn phòng đại diện tại Tokyo - Nhật Bản, và thông qua thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ giúp giải quyết nhanh thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, quảng bá hàng hóa của địa phương ra nước ngoài được thuận lợi.
Duyên Anh (tổng hợp)