.

Hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão số 9

.

Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp (DN), trong đó có các DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trước những khó khăn của DN, Ngân hàng TMCP Hàng hải (MARITIME BANK) đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khắc phục hậu quả của bão số 9. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã phỏng vấn ông NGUYỄN CANG, Giám đốc  MARITIME BANK, Chi nhánh Đà Nẵng về vấn đề này.

* P.V: Thưa ông! Ông cho biết khách hàng của Maritime Bank đã có những kiến nghị gì?

 

- Ông Nguyễn Cang: Ngay sau khi nhận được thông tin về sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 9 đối với các tỉnh miền Trung, Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ các DN, cá nhân khắc phục hậu quả. Ngày 30-9, lãnh đạo Maritime Bank đã vào phối hợp với Chi nhánh Maritime Bank Đà Nẵng rà soát tất cả các khách hàng của chi nhánh đang gặp khó khăn do cơn bão số 9 gây ra.
 
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Maritime Bank, hiện có trên 20 DN và cá nhân bị thiệt hại nghiêm trọng, ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng. Maritime Bank cũng đã cử cán bộ đến từng DN để kịp thời chia sẻ và hỗ trợ, tìm biện pháp phù hợp, nhằm sớm khắc phục những thiệt hại do bão gây ra.

Đa số các DN bị thiệt hại cho biết rất mong muốn được sự hỗ trợ của các ngân hàng để khắc phục thiệt hại. Đơn cử, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vân - chuyên sản xuất bàn ghế gỗ xuất khẩu - cho biết trong cơn bão số 9, công ty bị thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ đồng. 

Những thiệt hại này sẽ ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ giao hàng và kế hoạch trả nợ ngân hàng. Nhờ mua bảo hiểm do thiên tai, nên phần thiệt hại về nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu của công ty đã được bảo hiểm đền bù. Tuy nhiên, phần thiệt hại mà công ty phải chịu là phí sấy lại toàn bộ nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, dẫn đến chậm tiến độ giao hàng nên tiền không về kịp.

Công ty mong muốn được ngân hàng hỗ trợ giãn thời gian trả nợ từ 2-3 tháng, hỗ trợ tư vấn để đánh giá thiệt hại tài sản, hồ sơ để yêu cầu bảo hiểm bồi thường. Hay như Công ty Lilama 7 bị sập một nhà xưởng mới xây dựng, một số nhà xưởng bị tốc mái, ngập úng, máy móc, nguyên liệu là những cuộn cáp lớn chưa kịp đưa vào sản xuất bị hư hỏng nặng do ngập úng… Tổng mức thiệt hại ước tính trên 3 tỷ đồng.

Công ty mong muốn ngân hàng cho vay thêm vốn để khắc phục những thiệt hại, sớm ổn định sản xuất, đồng thời điều chỉnh lại số tiền thanh toán từng kỳ phù hợp với tiến độ ổn định sản xuất của DN. Đối với Nhà máy Thủy điện Sông Vàng, toàn bộ hệ thống đường giao thông đi vào nhà máy bị hư hỏng nặng, nhà máy bị cô lập hoàn toàn, thiệt hại ước tính trên 7 tỷ đồng. Thời gian khắc phục mất khoảng 3 tháng. Là DN vay vốn theo diện hỗ trợ lãi suất 4%, nên đại diện nhà máy đề nghị ngân hàng kéo dài thời gian giải ngân (theo chương trình hỗ trợ lãi suất 4%) vì nhà máy chưa thể đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch do bão, lũ.

* P.V: Ông cho biết cụ thể về chính sách của Ngân hàng Hàng hải?

- Ông Nguyễn Cang:
Trước những khó khăn của DN, Maritime Bank đã triển khai ngay một số biện pháp hỗ trợ như khoanh nợ, giãn những khoản nợ quá hạn, đến hạn từ 2-3 tháng với các khoản vay ngắn hạn và từ 6 tháng đến 1 năm với các khoản vay trung, dài hạn, nhằm giảm áp lực trả nợ cho khách hàng. Đồng thời, các DN có thể vay vốn bổ sung, giảm bớt số lượng tiền thanh toán từng kỳ theo mức độ ổn định sản xuất; giảm lãi với những DN thật sự khó khăn, tư vấn cho DN những biện pháp phù hợp, hỗ trợ DN trong đánh giá thiệt hại để yêu cầu các công ty bảo hiểm bồi thường (với các công ty có mua bảo hiểm)...

* P.V: Xin cảm ơn ông!

THÀNH LÂN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.