.

Khủng hoảng kinh tế chạm đáy, tín hiệu hồi phục đang mở ra

.

Ngày 28-10, bên lề Hội thảo “Giải pháp khôi phục và phát triển DN hậu suy thoái kinh tế” diễn ra tại Đà Nẵng, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách-Tiền tệ quốc gia, chuyên gia Cao cấp Văn phòng Chính phủ.

 

* P.V: Thưa ông, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở mức độ nào, tác động như thế nào với kinh tế Việt Nam nói chung và DN nói riêng?

- Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN:
Cuộc khủng hoảng kinh tế đã có tác động đến toàn cầu. Đến thời điểm này, tôi cho rằng khủng hoảng kinh tế đã bước sang giai đoạn chạm đáy khủng hoảng, tín hiệu phục hồi và phát triển kinh tế cho Việt Nam và thế giới đang mở ra. Kinh tế Việt Nam cho thấy đã là nền kinh tế mở và chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng.

Qua 9 tháng đầu năm 2009, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng phụ thuộc vào bên ngoài. Cụ thể, hiện chúng ta có kim ngạch xuất khẩu tương đương với khoảng 70% GDP và vốn tập trung vào thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua đạt 41,736 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng dự báo giảm 9-10% bình quân cả ở thời điểm cuối năm. Tuy mức độ có khác nhau do cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vào từng thị trường khác nhau, nhưng sự sụt giảm xảy ra ở hầu hết các thị trường.

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam có những điểm sáng về thị trường xuất khẩu. Vừa qua, trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến các tỉnh miền Tây Trung Quốc cho thấy một bất ngờ thú vị. Việt Nam đang chiếm một thị phần lớn ở phía sân sau, vùng phía Tây Trung Quốc với các sản phẩm cà phê, thủy sản đông lạnh…

Kết quả qua 7 tháng đầu năm 2009, tại thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu chè tăng 14,43%, hải sản tăng 45,94%, sản phẩm nhựa tăng 37,47%, hàng rau quả tăng 5,24%. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường chủ lực Hoa Kỳ có giảm nhưng không đáng kể, với tỷ lệ 6,2%. Nhìn tổng thể, các mặt hàng xuất khẩu ra thị trường quốc tế, nhóm các mặt hàng công nghiệp chế tạo tăng, sản phẩm dệt may là sản phẩm chủ lực cũng chỉ giảm 1%.

* P.V: Thưa ông, thị trường Nhật Bản thì sao?

- Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN:
Từ khi còn là Bộ trưởng Bộ Thương mại và thành viên Đoàn đàm phán WTO, ít nhất cách đây 10 năm, tôi đã rất ấn tượng với thị trường này. Từ ngày 1-10-2009 vừa qua, Hiệp định kinh tế thương mại Việt Nam-Nhật Bản có hiệu lực một phần nằm trong những nỗ lực này. Theo đó, Việt Nam có 7.230 đề mục hàng hóa áp dụng thuế xuất nhập khẩu 0% vào Nhật Bản. Đây là cơ hội thực sự và thú vị cho DN Việt Nam khi nhìn vào thị trường này. Nền kinh tế Nhật Bản và Việt Nam là hai nền kinh tế có điều kiện tốt để bổ sung cho nhau.

Sản xuất dày thể thao tại Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng.   Ảnh: ĐỨC THỊNH


* P.V: Ông có khuyến nghị gì đối với các DN về khôi phục và phát triển sau khủng hoảng kinh tế?

- Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN:
Về lý thuyết thì nhiều nhưng tôi có thể nói ngay, DN nên tận dụng ngay mặt tích cực từ yếu tố bên trong là tác động của công cuộc cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, hai là Chính phủ tiếp tục duy trì đầu tư 4% giá trị GDP vào các chương trình đầu tư các chính sách an sinh xã hội, qua đây tạo ra thị trường trong nước như việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội.
 
Chuỗi các sản phẩm, nhân công, nguồn lao động và thị trường đang mở ra. Đối với yếu tố bên ngoài, DN cần xây dựng tốt chiến lược phát triển thị trường, cần liên kết hợp tác phát triển. Thị trường nước ngoài là “chiến trường” nhưng không vì thế mà đối đầu, thụ động trong hợp tác hoặc bất hợp tác.

Sau khủng hoảng, các nền kinh tế cần “động não” thông thái ứng xử trước 3 trục phát triển, đó là: tái cấu trúc kinh tế, cải cách thể chế, hình thành các liên kết kinh tế mới. Riêng về nội tại từng DN, cần hành động ngay với việc thẳng thắn đánh giá điểm yếu của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm chọn đối tượng khách hàng, đối tác kinh doanh, đánh giá chất lượng nhà cung cấp-phân phối, rà soát hệ thống quản lý và quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, điều chỉnh thị trường chiến lược, cấu trúc tổng thể DN.

* P.V: Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

* Ông CAO TRÍ DŨNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam – Vitours:

Khai thác tối đa các gói kích cầu và chương trình khuyến mãi

Từ năm 2008 đến nay, có nhiều thời điểm chúng tôi rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng không cắt giảm nhân sự. Thay vào đó, chúng tôi đào tạo chuyên sâu cho tất cả các bộ phận và tổ chức bộ máy nhân viên thành từng nhóm khai thác khách. Như vậy, chúng tôi vẫn giữ được đội ngũ nhân viên giỏi và mở ra nhiều hướng khai thác mới.

Ngoài vấn đề nhân sự, chúng tôi còn tập trung khai thác tối đa các chính sách kích cầu của Chính phủ và chương trình khuyến mãi của Tổng cục Du lịch. Chúng tôi đẩy mạnh liên kết bằng cách hợp tác với nhiều hãng lữ hành trong và ngoài nước. Việc đầu tư sâu cho các điểm đến mới như Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, tour nghỉ biển, tour đường bộ giúp tăng trưởng đáng kể lượng khách nội bộ. 

Tuy nhiên hiện nay, thị trường khách nước ngoài vào vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, các hãng hàng không lại cắt giảm quá nhiều chuyến bay. Cùng lúc, Chính phủ ngưng các chương trình hỗ trợ lãi suất và giảm thuế. Trong tình thế đó, các hãng lữ hành đều mong muốn Chính phủ duy trì gói hỗ trợ lãi suất và giảm thuế thêm một thời gian nữa để DN thực sự vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đồng thời chính quyền địa phương áp dụng các chính sách khuyến khích các hãng hàng không giữ đường bay và kích cầu du lịch nội địa để bù vào lượng khách quốc tế suy giảm.   

H.V
(ghi)



* Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG PHÚ, Tổng Giám đốc Công ty APAVE Việt Nam & Đông Nam Á, kiêm Giám đốc khu vực châu Á (Tập đoàn APAVE - Cộng hòa Pháp):

Yếu tố nguồn nhân lực mới là hiệu quả đích thực của việc cấu trúc quản trị DN

“Công ty APAVE Việt Nam & Đông Nam Á hiện đang vận hành và sử dụng một nguồn nhân lực rất trẻ, đội ngũ cán bộ phần lớn thuộc thế hệ 7X, 8X. Trong cuộc khủng hoảng tài chính đã dựa vào nguồn nhân lực này mà đứng vững và có bước phát triển.
 
Trong 2 năm qua, chúng tôi đã phát triển được 40 giám đốc, phó giám đốc và 800 nhân viên. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi dừng việc tái cấu trúc quản trị DN. Chiến lược tái cấu trúc này không phải để sửa sai mà là tạo nên một bước đột phá mới với tầm nhìn về chiến lược kinh doanh mới sau khủng hoảng kinh tế. Nhận thức ngay từ đầu thành lập Công ty APAVE Việt Nam & Đông Nam Á là quốc tế hóa thị trường bằng nguồn nhân lực toàn cầu.

Kinh nghiệm của APAVE về tái cấu trúc cơ cấu tổ chức và nhân sự bằng 5 nhóm giải pháp, đó là thu hút nhân tài từ bên ngoài; chuyển giao quyền điều hành cho cán bộ trẻ; đào tạo năng lực lãnh đạo cho toàn công ty; tăng cường đào tạo nghiệp vụ mới; phát triển khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ.

Kinh nghiệm APAVE trong công tác đào tạo nguồn nhân lực là xây dựng chương trình đào tạo, có chính sách hỗ trợ người học, mở diễn đàn nội bộ về trao đổi nghiệp vụ, giao tiếp, phát huy ý tưởng kinh doanh…
 
Quan điểm của cá nhân tôi thì yếu tố nguồn nhân lực mới là hiệu quả đích thực của việc cấu trúc quản trị DN. Kinh tế mà không lương tâm là sự đổ vỡ của tâm hồn và APAVE khi gặp thời điểm kinh tế khủng hoảng nhất vẫn chưa sa thải một nhân viên nào”.


* Ông Phạm Đắc Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Bình Vinh- Đà Nẵng:

Mong muốn có gói kích cầu hỗ trợ lãi suất thứ 2

“Hiệu quả của gói kích cầu kinh tế hỗ trợ lãi suất vốn vay vừa qua rất lớn. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn một số DN nhỏ và vừa cũng chưa được thụ hưởng và gặp không ít khó khăn trong SXKD. Ngoài ra, nguồn vốn vay trung và dài hạn từ các ngân hàng rất hạn chế nên sau khi khủng hoảng, DN chúng tôi và một số DN khác ở Đà Nẵng không ít lo lắng.

Theo tôi, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ 2 nhưng có chủ đích ở khung đối tượng. DN nhỏ và vừa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lao động biến động sau khủng hoảng kinh tế, cùng với đó là khả năng xây dựng đề án phát triển kinh doanh còn hạn chế, kinh nghiệm quản trị DN chưa đáp ứng với yêu cầu, khả năng tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn khó.
 
Do đó, đối tượng này cần tiếp cận sớm gói kích cầu thứ 2 để đuổi kịp cơ hội tái cấu trúc DN, xây dựng nguồn nhân lực, đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc, phát triển thị trường”.

PHƯƠNG TÙNG (Thực hiện)


TRIỆU TÙNG (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.