.

Khủng hoảng kinh tế chạm đáy, tín hiệu phục hồi và phát triển đang mở ra

.

(ĐNĐT) – Theo nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang bước sang giai đoạn chạm đáy, tín hiệu phục hồi và phát triển kinh tế cho Việt Nam và thế giới đang mở ra. Kinh tế Việt Nam cũng nhận diện được những tồn tại và yếu kém để khắc phục vươn lên


Trên 100 doanh nghiệp Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận đã tham dự Hội thảo "Giải pháp khôi phục và phát triển doanh nghiệp hậu suy thoái kinh tế" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty APAVE Việt Nam và Đông Nam Á tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 28-10.

Bài phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và hiện là Chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ về nội dung tư duy và khuyến nghị với các DN thời kỳ sau khủng hoảng đã được các DN tham dự hội thảo rất quan tâm.

"DN cần xây dựng tốt chiến lược phát triển thị trường, cần liên kết hợp tác phát triển. Thị trường nước ngoài là chiến trường nhưng không vì thế mà đối đầu, thụ động trong hợp tác hoặc bất hợp tác".
 
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển
Theo ông Trương Đình Tuyển, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang bước vào giai đoạn chạm đáy, tín hiệu phục hồi và phát triển kinh tế cho Việt Nam và thế giới đang mở ra. Kinh tế Việt Nam cũng nhận diện được những tồn tại và yếu kém để khắc phục vươn lên. “Qua khủng hoảng và dựa vào nền kinh tế mở, Việt Nam đã có dấu hiệu lạc quan để tiếp tục phát triển khi chúng ta có 3 yếu tố quan trọng rút ra, đó là nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng, thị trường xuất khẩu mới và doanh số bán lẻ tăng mạnh”, ông Trương Đình Tuyển cho biết. 

Ông Trương Đình Tuyển khuyến nghị, sau khủng hoảng, các nền kinh tế cần “động não” ứng xử trước 3 trục phát triển, đó là tái cấu trúc kinh tế, cải cách thể chế và hình thành các liên kết kinh tế mới. Riêng về DN, cần hành động ngay với việc thẳng thắn đánh giá điểm yếu nội tại của từng DN, nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm chọn đối tượng khách hàng, đối tác kinh doanh; đánh giá chất lượng nhà cung cấp - phân phối; rà soát hệ thống quản lý và quy trình sản xuất; đổi mới công nghệ, điều chỉnh thị trường chiến lược; cấu trúc tổng thể DN và tăng cường liên kết với các đối tác với phương châm cạnh tranh nhưng không đối đầu.

Tiến sĩ Nguyễn Công Phú, Tổng Giám đốc Công ty APAVE Việt Nam và Đông Nam Á cho rằng, công việc đầu tiên phải làm sau thời kỳ khủng hoảng là DN phải đổi mới công tác quản trị. Ông Phú lấy ví dụ ngay đối với công ty của mình: APAVE hiện đã cấu trúc lại bộ máy tổ chức và nhân sự và đặt trọn niềm tin vào đội ngũ nhân viên lãnh đạo kế cận với tiêu chí trẻ, giỏi chuyên môn và trung thành với DN. Trên thực tế, APAVE Việt Nam và Đông Nam Á không phải sửa sai mà tạo ra đột phá bằng tầm nhìn chiến lược mới thời kỳ sau khủng hoảng.

Các DN cần thẳng thắn đánh giá điểm yếu nội tại, nâng cao năng lực cạnh tranh thời kỳ hậu suy thoái kinh tế

Đại diện cho DN Đà Nẵng, ông Phạm Đắc Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bình Vinh cho hay, vẫn có DN, nhất là DN nhỏ và vừa, chưa được tiếp cận với chương trình cho vay ưu đãi lãi suất và vốn đầu tư trung và dài hạn từ ngân hàng để vượt qua khủng hoảng. Lo lắng của một số DN là hiện đang có tình trạng nguồn nhân lực dịch chuyển sang các đơn vị, ngành nghề khác. “Để tái cấu trúc DN, Chính phủ nên tiếp tục duy trì gói kích cầu thứ hai, nhưng xác định đúng đối tượng để DN nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn sau khủng hoảng với những đầu tư cấp thiết là đổi mới công nghệ, đào tạo và sắp xếp lại nguồn nhân lực”, ông Bình đề xuất.

Về gói kích cầu, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, hiện chưa thể nói gì về khả năng thực hiện gói kích cầu thứ hai, bởi Quốc hội và Chính phủ còn đang bàn thảo nhưng thực sự DN đang lắng nghe từng nhịp đập của quyết sách này. “Tuy nhiên, dẫu tín hiệu của sự phục hồi nền kinh tế, thoát ra khủng hoảng có nơi còn nghe yếu ớt nhưng Chính phủ hiện đã thực hiện hai chương trình lớn là triển khai Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, quyết định chi 4% GDP cho các mục tiêu xã hội sẽ làm cho kinh tế trong nước có điều kiện khôi phục, DN tiếp tục phát triển thuận lợi sau khủng hoảng”, ông Tuyển nhận định.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.