.
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt:

Vai trò các cấp hội, đoàn thể trong cuộc vận động

.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chị Phan Thị Thúy, một người đi mua hàng ở chợ Hòa Hải cho biết: “Tôi cũng có nghe mọi người nói với nhau, có thấy trên ti-vi, nhưng thật lòng chưa hiểu lắm về cuộc vận động này”. Bà Lê Thị Huệ, ở gần chợ Bắc Mỹ An cho biết:
 

Hàng nội ngày càng được người tiêu dùng chọn mua.

“Hôm nay mới nghe chú hỏi vậy”. Không chỉ có các bà nội trợ không biết rõ chủ trương trên, mà cả những người kinh doanh cũng vậy. Đặc biệt, đối với người dân ở vùng ven như Hòa Quý, Hòa Hải, Hòa Tiến…  nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi. Có người vô tư trả lời rằng: “Hàng nào cũng phải trả tiền, chứ có ai cho không đâu?”.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trong thời gian qua đã đem lại thành công khi bước đầu góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng nội khi tạo cơ hội cho hàng nội bứt phá trong hành trình chiếm lĩnh thị trường nội địa. Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây, tỷ lệ hàng nội được người dân sử dụng ngày càng nhiều, khi nhiều mặt hàng có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh.

Thành công đó phải kể đến sự vào cuộc của các cơ quan địa phương, nhiều DN với nhiều chương trình được tổ chức như: “Phiên chợ hàng Việt”; “Đưa hàng Việt về nông thôn”… Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cũng đã triển khai tháng cao điểm khuyến mãi cho các mặt hàng nội để kích cầu mua sắm…

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất ở đây là làm thế nào để đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến được mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là dân cư vùng ven, vùng sâu, vùng xa... nơi mà đời sống kinh tế và nhận thức xã hội của người dân còn nhiều hạn chế. Ở đây, vai trò của các cấp hội, đoàn thể, chính quyền các cấp hết sức quan trọng trong việc giúp người dân tiếp cận được hàng nội. Bởi hiện nay, người tiêu dùng ra cửa hàng chỉ thấy toàn hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan lấn át.

Trên thực tế, không ít người lại lúng túng khi phân biệt hàng Việt Nam với hàng nhập ngoại. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở các chợ, và ở vùng ven, vùng xa mà cả những người đang sống tại trung tâm thành phố khi đi mua hàng tại các siêu thị, chợ lớn cũng tỏ ra không rành.
 
Tại Siêu thị Big C, chúng tôi hỏi một người đi mua hàng có phân biệt được các sản phẩm sữa của các công ty như Vinamilk, Hancofood, Nutifood, Dutch Lady và các sản phẩm nước uống, hóa mỹ phẩm và hàng tiêu dùng khác do các Công ty Unilever, Procter & Gamble (P&G), Coca-Cola, Ajinomoto… sản xuất, đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng ngoại nhập, thì nhận được cái lắc đầu. Nhiều người có suy nghĩ: hàng nào có ghi tiếng nước ngoài trên bao bì, sản phẩm… là hàng ngoại và ngược lại.

Do vậy, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự đi vào cuộc sống, cần sự đồng bộ của nhiều phía, không chỉ doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, mà cần có sự hỗ trợ của các cấp hội, đoàn thể tuyên truyền và khuyến khích hội viên hưởng ứng cuộc vận động này.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.