.

Nguy cơ ô nhiễm ở những điểm kinh doanh phế liệu

.

Cũng như nhiều địa phương khác, kinh doanh phế liệu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người và gây mất mỹ quan đô thị.

Phế liệu chất đống lên vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị.

Tuy chưa có thống kê về số lượng các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố, nhưng một điều ai cũng nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường do các điểm kinh doanh “đồng nát” này gây ra. Ghi nhận ở các điểm kinh doanh phế liệu trên tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, quốc lộ 14B… cho thấy: Dường như các điểm kinh doanh phế liệu lúc nào cũng đầy ắp “mặt hàng” nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm.

Thượng vàng hạ cám, từ ống nước, máy quạt, bình gas, ti-vi, bao bì, thùng giấy đến lỉnh kỉnh chai lọ các loại, giấy báo, kẽm gai, sắt vụn, thậm chí cả chất thải nguy hại là các loại thùng chứa dầu, nhớt, hóa chất và rác thải y tế được chất đống la liệt từ ngoài vỉa hè đến nhà kho. Điều đáng nói là những điểm kinh doanh có quy mô nhỏ, nhà kho hẹp… nên chủ các cơ sở kinh doanh phế liệu đã tận dụng vỉa hè để làm “nhà kho” chứa phế liệu, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến môi trường chung quanh.

Chủ một cơ sở thu mua phế liệu trên quốc lộ 14B thừa nhận: Làm nghề này tuy có nguy hại đến sức khỏe nhưng so ra còn “sướng” hơn nhiều nghề khác. Chỉ cần bỏ ra hơn chục triệu đồng là có thể đứng ra thu gom, mua bán mặt hàng này. Hơn nữa, lợi nhuận cũng kiếm được... kha khá. “Do không có vốn nhiều nên chúng tôi kinh doanh theo kiểu nhỏ lẻ, chứ nhiều cơ sở lớn chườm vốn thì họ mua tất tần tật mọi thứ, miễn là hàng hóa thuộc dạng có thể tái chế, sử dụng lại được”, chủ cơ sở này khoe.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường: Các cơ sở kinh doanh phế liệu phải thực hiện bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc làm đề án bảo vệ môi trường.

Việc cấp phép mới cho các cơ sở kinh doanh phế liệu trong khu vực đông dân cư, không có mặt bằng kinh doanh phù hợp với ngành nghề bị hạn chế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng được các điểm kinh doanh phế liệu gom từ nhiều nguồn khác nhau, không kể nguồn gốc, tính chất nguy hiểm như rác thải y tế hay có nguồn gốc từ chai nhựa đựng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí, nhiều cơ sở còn gom hàng ắc-quy, cả nhớt thải, vỏ đạn… rồi tháo gỡ, phân loại ra bán.

Điều đáng lo ngại là do thành phần phế liệu rất đa dạng và được tập trung ngoài trời, vào mùa mưa, tại các cơ sở này phát sinh một lượng nước mưa chảy tràn rất lớn có lẫn các loại chất thải khác nhau, kể cả chất thải nguy hại. Mặt khác, đa số các cơ sở kinh doanh phế liệu chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đúng quy định, nước thải được đổ tràn ra môi trường hoặc tự thấm vào lòng đất, gây ô nhiễm môi trường nước, đất. Bên cạnh đó, chất thải của các cơ sở này còn có bụi, mùi hôi thối, trong đó nghiêm trọng nhất là mùi hôi từ các thùng đựng hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động tại cơ sở và người dân trong khu vực.

Kinh doanh phế liệu theo đúng pháp luật, đúng quy trình bảo vệ môi trường hiện đang được Nhà nước khuyến khích, nhưng cũng đang là vấn đề xã hội quan tâm bởi những tác động tiêu cực của nó đối với môi trường sống của con người. Những diễn biến phức tạp về ô nhiễm môi trường cần phải được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, có biện pháp cụ thể quy hoạch địa điểm hoạt động, đủ điều kiện xử lý chất thải, quản lý tốt về hoạt động kinh doanh đối với những điểm mua - bán phế liệu.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.