.
Sản xuất vụ đông xuân ở Hòa Vang

Chồng chất khó khăn

.

Bão số 9 và lũ đặc biệt lớn trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua gây thiệt hại nặng nề đối với đời sống và sản xuất ở Hòa Vang. Cùng với việc khắc phục hậu quả bão lụt, sớm ổn định đời sống, người dân đang bước vào vụ sản xuất đông xuân 2009-2010 trong điều kiện chồng chất khó khăn.

Rừng trồng ở Hòa Vang sau bão.

Khó khăn nổi cộm nhất ở Hòa Vang hiện nay là thiếu giống cây trồng, vật nuôi. Ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Đầu tháng 9, mưa lũ gây ngập úng gần 1.000 ha lúa hè thu, thiệt hại khoảng 6.000 tấn thóc.

Chỉ riêng đợt mưa lũ đó, toàn huyện đã thiếu trên 100 tấn thóc giống. Đợt lũ đặc biệt lớn cuối tháng 9 vừa qua, trong số 1.600 tấn thóc bị ngập ướt, có không ít giống chuẩn bị cho vụ sản xuất sắp tới. Để bảo đảm gieo sạ gần 3.000 ha lúa đông xuân, toàn huyện thiếu khoảng 200 tấn thóc giống.  Ngoài ra, giống rau đậu, giống gia súc, gia cầm, cá nước ngọt cũng thiếu nghiêm trọng. Hiện huyện đang kiến nghị thành phố hỗ trợ, tự cân đối trong nông dân và tìm mua tại các địa phương khác.

Giải tỏa hơn 70 ha đất canh tác bị bồi lấp cũng là vấn đề hết sức nan giải của nông dân Hòa Vang. Ông Nguyễn Ngưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay: Toàn xã chỉ có 100 ha đất canh tác mà có đến 59 ha bị bồi lấp, trong khi sản xuất vụ đông xuân đã cận kề. Sức người không thể giải tỏa khối lượng đất đá khổng lồ như vậy. Mà dùng máy móc thì kinh phí đâu, khi mà nhà ai cũng bị thiệt hại nặng do bão. Rất nhiều khả năng, nhiều diện tích canh tác sẽ bị hoang hóa sau lũ.

Hàng trăm đoạn kênh mương bị sạt lở với khối lượng đất đá lên tới trên 31 nghìn m3, đồng nghĩa với việc chuyển nước về đồng ruộng phục vụ sản xuất sắp tới ở Hòa Vang vô cùng khó khăn. Khắc phục hư hỏng hệ thống kênh mương không thể ngày một ngày hai và phải được đầu tư rất lớn từ trên. Ông Kiều Văn Lũy, Giám đốc Công ty Khai thác các công trình thủy lợi Đà Nẵng cho biết:

Kênh chính trạm bơm An Trạch bị lũ cuốn trôi đoạn dài hơn 50m.

 

Nhiều kênh mương bị hư hỏng sau lũ, trong đó nghiêm trọng nhất là kênh chính trạm bơm An Trạch, bị sạt lở 7.000m3, gây gián đoạn hoàn toàn việc chuyển nước cho các xã Hòa Tiến, Hòa Châu… Hiện công ty đang đánh giá mức độ thiệt hại, đề nghị thành phố đầu tư khôi phục lại. Kinh tế rừng, hoạt động kinh tế chủ lực của các xã miền núi cũng xác xơ sau bão. Với 7.263 ha rừng trồng 3 đến 6 năm tuổi bị gãy đổ, đẩy đời sống của hàng nghìn hộ vào cảnh khốn khó.

Ông Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang thẫn thờ trước cảnh nhà cửa, ruộng vườn tại nhiều xã tan hoang sau bão. Ông nói: “Nơi nghèo nhất lại bị thiệt hại nặng nề nhất. Nông dân là những người khổ nhất. Họ nỗ lực đến mấy, chịu khó đến mấy, thiên tai kiểu này không thể giàu có lên được. Với sự thiệt hại quá lớn này, cần có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Trung ương, thành phố, các cơ quan, ban ngành, để nông dân nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống”.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu 

;
.
.
.
.
.