.
Thất thoát nước sạch

Nguyên nhân và giải pháp

.

Tại buổi giám sát về vấn đề thất thoát nước sạch của Thường trực HĐND thành phố mới đây, Công ty Cấp nước Đà Nẵng đã báo cáo mỗi ngày thành phố có hơn 43.000m³ nước máy bị thất thoát. Lượng nước sạch thất thoát tập trung ở hai quận Hải Châu và Thanh Khê, nơi có mạng lưới phân phối lớn, chiếm 60% tổng số hộ dùng nước sạch. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát nước nhiều như vậy?

90% nước thất thoát do đường ống quá cũ

Nạn câu trộm nước ở các khu tái định cư cũng là một nguyên nhân gây thất thoát nước sạch.

Theo tính toán của các chuyên gia Hà Lan, khi thực hiện dự án giảm thất thoát nước sạch ở Đà Nẵng đã xác định nguyên nhân và tỷ trọng thất thoát nước theo cơ cấu: Do rò rỉ cơ học trên đường ống chiếm 90%, do đồng hồ nước không chính xác 5% và do không thu được tiền sử dụng nước 5%. Lý giải về lượng nước sạch thất thoát chủ yếu do rò rỉ cơ học, ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch-Kỹ thuật của Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho biết:

Trong hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước có 2.138km đường ống dịch vụ D<100 (ống có đường kính nhỏ hơn 100mm) từ năm 2000 trở về trước sử dụng chủ yếu là ống thép tráng kẽm của nhiều nước sản xuất. Do lắp đặt từ lâu, chịu ảnh hưởng ăn mòn của môi trường, han gỉ nhanh gây rò rỉ. Có năm nước bị nhiễm mặn cũng là tác động làm đường ống han gỉ nhanh.
 
Đường ống tráng kẽm chỉ có tuổi thọ 8-12 năm, sau đó phải thay thế như hệ thống cấp nước khu dân cư Xuân Hòa A đưa vào sử dụng năm 2001, khu dân cư đường 2-9 đưa vào sử dụng năm 1997 nay đã phải thay toàn bộ ống D<100. Những năm 1990-2000, đường ống D<100 thường sử dụng ống nhựa tái sinh, sau 5 năm thường bị giòn, gãy gây rò rỉ.

Quá trình xây dựng các công trình hạ tầng không đồng bộ, mạng lưới cấp nước bị đào vỡ, dịch chuyển nhiều nên làm tăng lượng nước thất thoát. Mạng lưới đường ống cấp nước do nhiều chủ đầu tư quản lý, nhiều nhà thầu thi công, Công ty Cấp nước Đà Nẵng chỉ tiếp nhận sau khi thi công nên hồ sơ, chất lượng công trình cấp nước không thể kiểm soát được. Nguyên do là thiếu quy trình quản lý đồng bộ từ khâu chuẩn bị đầu tư đến quyết toán vốn đầu tư và bàn giao đưa vào sử dụng.

Nhà thầu đã giảm giá thầu nhiều nên đưa vật liệu chất lượng thấp vào thi công, dẫn đến công trình mau hỏng. Hiện Công ty Cấp nước đang tạm nhận quản lý từ các Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng mạng lưới đường ống cấp nước của hơn 150 khu dân cư có tình trạng ống nước xuống cấp, rò rỉ thất thoát nước tỷ lệ cao nhưng chưa được thay thế.

Một nguyên nhân gây thất thoát nước sạch khác là do một số hộ dân, chủ yếu ở các khu dân cư mới đấu nối trái phép không qua đồng hồ. Có năm, công ty phát hiện đến 200 trường hợp “câu” trộm nước, từ đầu năm đến nay phát hiện 10 trường hợp. Một số đơn vị thi công gây sự cố vỡ ống nước nhưng lấp đất che lại để trốn đền bù. Bể chứa nước ở các khu chung cư thấm nứt, van phao hư hỏng cũng gây thất thoát nước sạch.

Mỗi năm cần 7 tỷ đồng để giảm 1-2% thất thoát nước

Từ năm 2006 đến cuối tháng 8-2009, Công ty Cấp nước đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng phát triển gần 180km đường ống và gần 9 tỷ đồng cho cải tạo 47km đường ống các loại. Hiệu quả từ công tác cải tạo, thay thế ống cũ góp phần giảm tỷ lệ thất thoát nước 17,04% tính từ năm 2000 đến nay. Tiếp tục cải tạo mạng lưới ống nước đã xuống cấp (nơi chiếm 75% thất thoát nước) là một trong những giải pháp chính mà công ty đề xuất.

Để giảm 1-2% lượng thất thoát nước sạch, mỗi năm cần đầu tư tối thiểu khoản kinh phí 7 tỷ đồng để thay thế những đường ống cũ. Khi được Chính phủ Hà Lan chấp thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án giảm thất thoát nước giai đoạn 1 với tổng kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng (vốn viện trợ 50%, vốn đối ứng của công ty 50%) thì sẽ giảm thất thoát nước sạch xuống còn 24%. Công ty đề nghị tăng giá nước để tính đủ chi phí và có nguồn đầu tư cần thiết để thay thế mạng lưới đường ống cũ kỹ, đầu tư phát triển nguồn nước cho khu vực chưa có nước sạch.

Việc tăng giá nước cũng đem lại lợi ích cho người dân sử dụng nước có chất lượng tốt hơn. Công ty đề xuất thành phố cần ban hành văn bản thống nhất về thiết kế, thi công, bàn giao mạng lưới cấp nước của thành phố. Nên tập trung việc quản lý đầu tư mới mạng cấp nước cho một Ban quản lý có chuyên môn về cấp nước, tạo sự thống nhất trong xây dựng và quản lý lâu dài, tránh phải khắc phục hậu quả công trình kém chất lượng.

Khi một mạng lưới mới đưa vào sử dụng phải được kiểm tra, tách riêng để xác định lượng nước thất thoát trong một năm. Nhà thầu phải sửa chữa và trả tiền nước nếu thất thoát quá 5%. Công ty cũng sẽ đổi mới công tác quản lý nhằm giảm thất thoát nước. Trong đó, sẽ sắp xếp lại mô hình tổ chức bằng phân cấp quản lý. Hoàn chỉnh đồng hồ tách mạng lưới cho 6 chi nhánh để phân cấp, gắn trách nhiệm quản lý cho chi nhánh, đồng thời xây dựng chế độ thu nhập của cán bộ, nhân viên gắn với tỷ lệ thất thoát nước sạch.

Các khu dân cư có tỷ lệ thất thoát nước sạch cao gồm: KDC Hòa Minh 5 và tổ 54 Phước Lý (64,1%); KDC Bắc Phan Bá Phiến (53,36%); KDC An Hòa (41,36%); KDC Hòa Thọ (44,48%); KDC Bắc Tượng đài (44,03%); KDC Mỹ An (72,48%); KDC Phố chợ Cẩm Lệ (47,4%) và các khu chung cư: Nhà 5 và 7 KCC Thuận Phước (trên 40%); KCC Đò Xu-Khuê Trung (51,82%); KCC Lê Đình Lý (41,98%); KCC Thanh Lộc Đán A (41,73%); KCC Thanh Lộc Đán B (67,87%); KCC Hòa Minh (58,6%).

Theo Thông tư liên tịch 95/2009/TTLT-BTC-BXD-BNN quy định tỷ lệ thất thoát nước cho phép: 25% đối với mạng lưới cấp nước đã đưa vào sử dụng dưới 10 năm, 33% đối với mạng lưới sử dụng trên 10 năm và 29% nếu mạng lưới gồm có cả loại dưới 10 năm và từ 10 năm trở lên.


HOÀNG ANH
;
.
.
.
.
.