.

Thấy gì qua điều hành giá?

.

Một năm, ít nhất vài cơn bão đi qua miền Trung. Đi sau nó là chuyện giá cả các mặt hàng thiết yếu được người dân bàn tới nhiều nhất. Vậy nhưng, chuyện kiểm soát giá cả gần như nằm ngoài tầm tay của cơ quan chức năng?

Thị trường phụ thuộc bởi tâm lý

Bốc xếp rau củ cung cấp cho tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường.

Trước bão, nhiều người dân đưa hung tin: “Chuẩn bị đồ chống bão đi, bão to lắm đó”, “Không lo mà trữ đồ ăn trong nhà là coi chừng đói”. Liên tục những bản tin báo bão khẩn cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng, mưa không ngớt, gió ngoài trời vùn vụt, mọi người đều lo lắng. Chợ búa trong cảnh người mua và bán đều vội vã. Cứ như vậy, giá cả hàng hóa đang ổn định, bỗng chốc bị đẩy lên đỉnh điểm của cơn sốt.

Vì quá hoảng sợ ảnh hưởng của bão những năm trước, nên người dân thành phố mua bán theo kiểu cộng hưởng. Cứ nghe sắp có bão là lo chuẩn bị thật nhiều thực phẩm. Mặc dù trước bão một ngày, hàng hóa tại các chợ nội thành khá dồi dào, các siêu thị đã có sẵn hàng chục tấn thực phẩm dự trữ, thế nhưng trước những tin đồn và tâm lý dao động, người dân đã bị đưa vào tình thế “phải mua hàng hiếm, giá cao”.

Trước khi bão vào một ngày, nhiều tiểu thương đã bỏ bán để lo chằng chống nhà cửa, mặc dù BQL chợ không thông báo đóng cửa chợ, song hộ kinh doanh vẫn kéo nhau ra về, đó là lý do khiến bão chưa vào, chợ đã vắng hoe, muốn mua hàng cũng đành chịu. Một mặt, nhiều tin đồn hàng hóa sẽ khan hiếm trong nay mai, mặt khác các đơn vị kinh doanh, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, chợ nghỉ bán sớm, đã làm cơn sốt giá cả bị đẩy lên cao gấp 2 - 4 lần bình thường.

Sau bão, giá cả còn “khủng” hơn, nhất là 1 - 2 ngày đầu tiên. Chợ thiếu hàng tươi sống, nhất là rau xanh, nên giá được đẩy lên vô tư. Sáng ngày 2-10, một bó rau muống hay một bó rau lang giá tới 10 nghìn đồng. Rau thơm lên 15 nghìn đồng/lạng (trước bão 3 nghìn đồng). Các loại rau khác cũng tăng gấp 2 - 3 lần. Nhiều siêu thị không có rau xanh, rau củ ít ỏi, nên tiểu thương các chợ thao túng là điều đương nhiên, bởi không có “đối thủ” cạnh tranh. Tất cả những bất cập trong điều hành hàng hóa, giá cả của cơ quan chức năng khiến người tiêu dùng gánh chịu!

Khó trong điều hành giá cả

Công ty Quản lý các chợ, đơn vị điều hành tới 4 chợ lớn trên địa bàn thành phố, trong những ngày bão đã không thể làm gì hơn, ngoài việc nhắc nhở tiểu thương thực hiện đúng quy định về giá. Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc phụ trách Công ty QLCC Đà Nẵng thừa nhận: “Thực tế, mấy ngày vừa qua, giá cả đều do tiểu thương định đoạt. BQL chợ chỉ có thể can thiệp vào việc xử lý niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tuy nhiên, trong thời điểm bão lũ rất khó để điều hành giá cả”.

Lâu nay, với những biến động về giá tại thị trường Đà Nẵng, Cơ quan Quản lý thị trường mới chỉ xử lý được những trường hợp “quá quắt”, trong khi đó, những mặt hàng thực phẩm đồ ăn thức uống cứ có dịp là tăng giá theo kiểu “tát nước theo mưa” thì không thể xử lý tận gốc. Giá cả leo thang, thị trường bất ổn định, người ta nhắc ngay đến ngành thương mại, vậy trong những trường hợp vừa qua, ngành thương mại đã chủ động được những gì? Xin thưa, ngành thương mại không đủ sức để bình ổn thị trường.
 
Đơn cử, cơn sốt gạo và bình ổn giá thịt heo vào dịp năm ngoái, ngành chức năng phải cậy nhờ đến hàng loạt đơn vị kinh doanh trên địa bàn, nhưng không có mấy đơn vị tham gia. Một doanh nghiệp trên địa bàn (yêu cầu không nêu tên) phát biểu: “Bảo chúng tôi dự trữ hàng hóa trong khi không ứng tiền mặt, lấy đâu chúng tôi làm. Việc kinh doanh lời lỗ không chỉ ảnh hưởng đến một hai lãnh đạo mà còn liên quan đến cả trăm con người trong doanh nghiệp đó”.

Không có nguồn hàng dự trữ khi thị trường biến động sẽ khó can thiệp về giá. Hàng hóa trên thị trường, cung vượt quá cầu, tăng giá là điều dễ hiểu. Nếu công tác dự báo tốt, sẽ có sự chủ động được nguồn hàng và điều hành tốt giá cả. Trong vấn đề dự phòng hàng hóa, cần giao cho các DN cụ thể với sự hỗ trợ kinh phí có sẵn, để khi cần là có ngay. Nên chăng về lâu dài, ngành chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu hơn đối với việc bình ổn thị trường trong những dịp mưa bão.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.