.
Thị trường chứng khoán ở Đà nẵng

Chi nhánh nhiều nhưng vắng khách

.

Sau thời gian dài đi xuống, hiện nay thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu hồi phục. Mặc dầu sự hồi phục vẫn còn trong giai đoạn giằng co của sự điều chỉnh sâu và kéo dài, nhưng tác động của nó có vẻ đã làm nóng lại thị trường, khi chỉ trong vòng 3 tháng qua, Đà Nẵng đã đón thêm 3 chi nhánh công ty chứng khoán (CTCK) mới khai trương là Chi nhánh Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tại nhà số 97 đường Lê Lợi, Chi nhánh Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBS) tại nhà số 202 Hoàng Diệu và Chi nhánh Công ty CP Chứng khoán Tân Việt tại nhà số 114 Quang Trung, nâng tổng số chi nhánh, đại lý nhận lệnh chứng khoán, CTCK trên địa bàn lên trên 20.

Sàn giao dịch ACB đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư về công nghệ và dịch vụ tư vấn.

Cùng với các chi nhánh, đại lý nhận lệnh trước đây như APEC, FPTS, Rồng Việt, Ngoại thương, Á Châu, An Bình, Thăng Long, VNDirect, PVFC, SBS, SeaBank, DNSC…, Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đứng đầu về số lượng các đại lý, chi nhánh, phòng giao dịch của CTCK.

Tuy nhiên, với sự ra đời của nhiều chi nhánh CTCK, liệu có phải “bình mới, rượu cũ?”. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được ông Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà đầu tư ở sàn Á Châu cho biết: Số lượng chi nhánh, đại lý nhận lệnh CTCK trong thời gian qua đã tăng lên nhanh chóng, nhưng chất lượng lại không theo kịp. Chỉ một số ít trong số đó đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, còn số còn lại phải tự đào thải khi không có khách hàng. Hiện nay, hàng chục đại lý nhận lệnh, thậm chí là các chi nhánh CTCK rất vắng khách, chỉ hoạt động cầm chừng và đang thua lỗ.

Số lượng nhiều nhưng phục vụ chưa tốt. Phần lớn các chi nhánh ra đời trong thời điểm này đều được nâng cấp từ các phòng giao dịch, đại lý nhận lệnh trước đây, rất ít có chi nhánh, công ty mới. Còn bà Nguyễn Thị Bằng, nhà đầu tư ở sàn An Bình cho biết: Các chi nhánh mới mở thường có chính sách thu hút khách hàng như giảm phí hoặc miễn phí giao dịch, phí mở tài khoản… nhưng thực tế điều này không hấp dẫn mấy đối với nhà đầu tư. Mà điều quan trọng nhất nhà đầu tư quan tâm là chất lượng công nghệ và dịch vụ tư vấn ở đó như thế nào?

Trên thực tế, trong khi rất nhiều CTCK phải đóng cửa hoặc bỏ không phòng giao dịch, đại lý nhận lệnh vì thu không đủ chi do thưa thớt, vắng bóng nhà đầu tư, thì một số sàn giao dịch, đại lý nhận lệnh, chi nhánh của một số công ty dù mới khai trương vẫn đông đúc, tấp nập, giao dịch không ngừng gia tăng. Mà nguyên nhân chính, bắt nguồn từ nền tảng công nghệ, dịch vụ tư vấn và chất lượng phục vụ của các chi nhánh, đại lý nhận lệnh này tốt hơn ở các đơn vị khác.

Đây cũng chính là mục tiêu mà các chi nhánh mới mở như  FPTS, Á Châu, Sacombank – SBS… hướng đến. Ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng Giám đốc Sacombank – SBS cho biết, SBS Đà Nẵng không chỉ nhận lệnh mà còn cung cấp thông tin tư vấn đầu tư và các dịch vụ tiện ích cho nhà đầu tư. SBS Đà Nẵng thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ của một chi nhánh CTCK, bao gồm môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán.  
                                              
Vai trò của các chi nhánh CTCK rất rộng, từ việc chăm sóc khách hàng, phân loại nhà đầu tư, đến việc quản lý dữ liệu tập trung, quản lý bảo mật các giao dịch thông qua mã hóa và chữ ký điện tử..., đồng thời đáp ứng các nhu cầu về các kênh giao dịch mới như qua điện thoại di động, SMS, WAP và PDA, qua hệ thống online, IVR, hệ thống trả lời tự động. Chính vì vậy, nếu không có những thay đổi và cách  làm mới thì kết quả của việc thành lập mới các chi nhánh CTCK cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ” mà thôi.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.