.

Tôi dùng hàng Việt

Không biết có phải vì đã trải qua thời kỳ bao cấp khó khăn, luôn thiếu hàng tiêu dùng hay không mà từ lâu, tôi luôn có thói quen dùng hàng Việt. Những mặt hàng quen thuộc từ chiếc lốp xe đạp mang nhãn hiệu Cao su Sao Vàng (Hà Nội), Cao su Đà Nẵng, quạt bàn Điện cơ Đà Nẵng – Hà Nội, chén sứ Hải Dương, chiếu Yến Nê (Hòa Tiến) đến những chiếc bút máy Trường Sơn, khăn mặt Dệt may 29-3… là những đồ dùng mà tôi rất tin tưởng vào chất lượng.

Vào thời ấy, nếu được phân phối hoặc mua được những vật dụng ấy đối với gia đình tôi và bao gia đình công chức khác cũng là một tài sản. Đó là thời mà đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, kinh tế kiệt quệ, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề và nhất là nền nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp chưa phát triển. Những mặt hàng tiêu dùng phổ biến hiện nay hầu như gia đình nào cũng có như xe máy, tivi, tủ lạnh, quần áo mang nhãn hiệu nước ngoài… ngày trước là hàng xa xỉ vì chúng rất đắt, chủ yếu là do những người đi nước ngoài mang về.

Công bằng mà nói, khi đó các mặt hàng ngoại vừa chất lượng vừa đẹp, còn các mặt hàng sản xuất trong nước vừa thiếu, vừa kém chất lượng, mẫu mã không đẹp nhưng bù lại, giá cả phù hợp với khả năng tài chính của người Việt. Đến nay, dù đời sống đã bớt khó khăn, khả năng tài chính có thể mua được một số vật dụng đắt tiền, nhưng khi phải mua sắm một vật dụng gì cho gia đình, tôi luôn ưu tiên lựa chọn các mặt hàng cùng loại được sản xuất trong nước.

Sự lựa chọn này đem đến 2 cái lợi: thứ nhất là tiết kiệm, thứ hai (nhân tố quan trọng nhất) là chất lượng hàng hóa luôn đúng với những gì đã quảng cáo và ghi trên bao bì. Đối với các vật dụng mà chưa có cơ sở sản xuất trong nước làm thì tôi vẫn ưu tiên cho các loại sản phẩm liên doanh của cơ sở trong nước với nước ngoài.

Qua sử dụng các sản phẩm này cho thấy không thua kém các sản phẩm nhập ngoại, có chăng chỉ là một vài điểm chưa được hoàn hảo như mẫu mã, bao bì, màu sắc mà thôi. Đơn cử như hầu hết các loại xe máy của liên doanh Công ty Honda, Suzuki, SYM… đang được người Việt tiêu dùng đều được sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng chất lượng không hề thua kém những sản phẩm cùng loại được sản xuất tại hãng, nhưng giá thì rẻ hơn khá nhiều.

Đối với các mặt hàng tiêu dùng khác phổ biến trong các gia đình hiện nay như quạt điện các loại, vải vóc, quần áo may sẵn, xà phòng… do sự đầu tư, cải tiến kỹ thuật của các cơ sở sản xuất trong nước nên chất lượng không ngừng được nâng cao, mẫu mã ngày càng nhiều và giá cả phù hợp, đã dần thay thế các sản phẩm nhập ngoại.
 
Không ít các sản phẩm của nhiều doanh nghiệp đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các nước phát triển. Các sản phẩm của Công ty May Việt Tiến, lốp ô-tô của Công ty Cao su Đà Nẵng, giày thể thao của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hữu Nghị, khăn mặt và khăn tắm của Công ty CP Dệt may 29-3… đã có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới, sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết đang là niềm tự hào của ngành công nghiệp.

Tôi cũng thích hàng ngoại, đôi khi cảm thấy hãnh diện (dù chỉ một thời khắc ngắn ngủi) khi khoác lên người bộ đồ ngoại, nhưng rồi tôi ngộ ra rằng: Bộ đồ ngoại không làm tăng thêm giá trị của mình và thật xấu hổ nếu bộ đồ ngoại mình đang mặc là đồ nội giả ngoại. Rất nhiều người khi được hỏi đã trả lời bản thân họ rất khó phân biệt được hàng ngoại hay hàng nội đang bày bán trên thị trường hiện nay, nhưng quan trọng khi mua cảm thấy thích và vừa với mục đích sử dụng thì mua.

Nhưng cũng có người giàu kinh nghiệm sau nhiều lần xài phải hàng “ngoại dỏm” đã kết luận: Tốt nhất là mua hàng nội vừa khỏi bị lừa, mà giá trị sử dụng cũng không thua kém nhiều so với các sản phẩm ngoại, nhưng quan trọng hơn là giá cả hợp lý, vừa với khả năng tài chính của đa số người Việt hiện nay.

ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.