.

Xây dựng thang máy lên đỉnh Thủy Sơn

.

Sau khi UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức công bố Quyết định số 5925 ngày 5-8-2009 của UBND thành phố Đà Nẵng về quy hoạch chi tiết xây dựng thang máy tại khu vực núi Thủy Sơn, những hộ dân sống xung quanh khu vực xây dựng thang máy đã gửi thư và gọi điện đến đường dây nóng Báo Đà Nẵng phản ánh mong muốn góp thêm tiếng nói của những người “yêu Non Nước nhất” xung quanh việc xây dựng công trình này.

Vị trí xây dựng thang máy ngay mặt tiền hòn Thủy Sơn, thực tế có 2 vị trí lý tưởng hơn để xây dựng.  Ảnh: H.H

Theo đồ án quy hoạch chi tiết Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn tỷ lệ 1/2000 do Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh lập, được Chủ tịch UBND thành phố ký Quyết định phê duyệt số 4064 ngày 1-6-2009 và Quyết định số 5925 nói trên, thang máy được bố trí ở khu vực núi Thủy Sơn, tại vị trí vách núi dựng đứng hướng thẳng lên tháp Xá Lợi và việc xây dựng thang máy nhằm mục đích phục vụ trẻ em, người già yếu, những người có nhu cầu lên đỉnh núi nhưng không đủ sức leo hàng trăm bậc tam cấp.

Yêu cầu tối thượng được đặt ra cho hạng mục này là không làm phá vỡ cảnh quan chung của khu danh thắng và đặc biệt là hòn Thủy Sơn. Dự kiến thang máy có chiều cao khoảng 40m, tải trọng 10 người/lượt, sức tải 1,35 tấn, tốc độ 1,75m/s; gồm 2 cabin cao 2,7m hình bán nguyệt bao bọc bằng kính trong suốt để du khách vừa lên đỉnh núi, vừa có thể ngắm nhìn cảnh quan chung quanh và một cầu thang bộ thoát hiểm.

Phần trụ thang máy và cầu thang bộ sẽ được thiết kế xây dựng bằng bê-tông cốt thép, sau khi xây dựng xong, khối công trình sẽ được trồng dây leo, nhằm giữ nguyên tính tự nhiên cho di tích và công trình. Bên cạnh hạng mục thang máy, trên đỉnh hòn Thủy Sơn còn được xây dựng thêm các sàn đạo bằng kết cấu bê-tông cốt thép, lát gỗ nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm…

Thang máy được xây dựng ở vị trí “mặt tiền” của hòn Thủy Sơn, giáp lối vào Động Âm phủ và gần sát cổng B có 124 bậc cấp (cổng A có 156 bậc cấp), được quy hoạch xây dựng chiếm diện tích đất đến 97m2 (quầy bán vé chiếm diện tích 25m2 đất nữa), ngại rằng sau này khi xây dựng xong sẽ chiếm một phần không gian rất lớn trước hòn Thủy Sơn, sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên và khu di tích (được Bộ Văn hóa, nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990).

Mặt khác, vị trí xây dựng này chỉ rút ngắn được đúng 124 bậc cấp lên núi, nhưng từ đỉnh thang máy, du khách hoặc phải bỏ qua, không tham quan 2 địa điểm tham quan hấp dẫn là chùa Linh Ứng và động Tàng Chơn, hoặc phải đi bộ xuống để tham quan 2 địa điểm này rồi leo bậc cấp lên lại để tham quan địa điểm tiếp theo. Trong khi đó, có 2 vị trí khuất, thuận lợi hơn trong xây dựng và du khách được tham quan đầy đủ các địa điểm trên núi Thủy Sơn, không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, có thể lựa chọn để xây dựng thang máy.

Quy hoạch xây dựng thang máy chiếm một diện tích không nhỏ (khoanh tròn số 1).      Ảnh: H.H

 

Đầu tiên là một hẻm núi trước cổng chùa Linh Ứng, nếu xây dựng tại đây, sẽ giảm bớt chiều cao thang máy được gần một nửa và đưa du khách lên thẳng cổng chùa Linh Ứng. Địa điểm thứ hai là ở sau hòn Thủy Sơn, du khách đi vào từ đường Sơn Trà-Điện Ngọc, lên thang máy dẫn lên Vườn Cung - khuôn viên chùa Linh Ứng.

Vấn đề được người dân quan tâm tiếp theo là lật lại câu hỏi liệu có nên dựng thang máy, can thiệp khối bê-tông, sắt thép lên một di tích lịch sử văn hóa đậm sắc tâm linh? Thực tế, trên cả nước có rất nhiều địa điểm danh thắng có đường lên tham quan gập ghềnh, mệt nhọc hơn rất nhiều, nhưng người ta vẫn lên tham quan đông nghịt, nhất là những điểm tham quan đậm văn hóa tâm linh.

Ngoài ra, người dân cũng rất quan tâm đến số phận của một hòn núi nhỏ, trước đây gắn liền với hòn Thủy Sơn, nhưng trải qua thời gian, biến động địa chất, hòn núi nhỏ này đã tách riêng ra thành một hòn mồ côi, chắc chắn về lâu dài là rất khó đứng vững vì tỷ lệ chênh lệch giữa chiều ngang và chiều cao là quá nhỏ. Thế nhưng, theo đồ án quy hoạch, sẽ xây dựng một hồ cá và sử dụng hòn mồ côi như một hòn non bộ, việc này vô tình thúc đẩy nhanh quá trình ngã đổ của hòn mồ côi có kết cấu bằng đá vôi này.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, hiện hạng mục thang máy đang được tiến hành thiết kế. Qua đây, mong các Sở, ngành và lãnh đạo thành phố quan tâm, lắng nghe ý kiến của người dân địa phương là những người hiểu và yêu Non Nước nhất để có những điều chỉnh xây dựng phù hợp.

HOÀNG HIỆP-VĂN EM

;
.
.
.
.
.