.

Xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường ở các KCN: Vẫn phải chờ!

.

Nước thải của các nhà máy được thải ra hệ thống thoát nước chung của khu công nghiệp (KCN) và đổ ra các ao, hồ, sông, biển... mà không được xử lý đã gây ô nhiễm môi trường (ONMT) ở nhiều khu vực dân cư.

Đi tìm nguyên nhân

Nhiều DN tại KCN Hòa Khánh chưa đấu nối đường ống dẫn nước thải đến Trạm xử lý nước thải tập trung.

Với tổng diện tích gần 1.400ha, 6 KCN trên địa bàn Đà Nẵng (không tính KCN Công nghệ cao) về cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật như: điện, nước, giao thông, thông tin… và hiện 2 KCN đã được lấp đầy các dự án đầu tư.  Theo ông Huỳnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư và tư vấn công nghệ Đà Nẵng: Sau khi các KCN được lấp đầy dự án và đi vào hoạt động thì lượng nước thải của 6 KCN ước tính lên đến 43.000 m3/ngày đêm. Nếu lượng nước thải này không được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên, cũng như nhiều khu vực dân cư trên địa bàn thành phố.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ một số KCN xuất hiện và tồn tại  tình trạng ONMT kéo dài là do một số KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng chưa phát huy công năng sử dụng. Ở KCN Hòa Khánh, mặc dù đã được đầu tư một nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 5.000 m3/ngày đêm, thế nhưng nhà máy này mới chỉ hoạt động được khoảng một phần tư công suất.
 
Bên cạnh đó, nhiều DN hoạt động tại KCN này chưa đấu nối đường ống dẫn nước thải vào đường ống chung dẫn về nhà máy xử lý nước thải và hệ thống đường ống chung này lại có nhiều chỗ bị hư hỏng làm nước thải chảy ra ngoài. Vì thế, lượng nước thải công nghiệp của nhiều DN được đổ trực tiếp ra bên ngoài, gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến môi trường chung quanh.

Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua thành phố đã bàn giao Trạm xử lý nước thải tại KCN Hòa Khánh cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) quản lý và vận hành. Đối với KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, do đặc điểm của ngành chế biến thủy sản phải sử dụng lượng nước khá lớn, trong khi đó các DN lại không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, KCN lại chưa có trạm xử lý nước thải tập trung nên nước thải chảy ra hệ thống thoát nước đô thị bên ngoài âu thuyền Thọ Quang, gây ONMT kéo dài trong thời gian qua. Tại KCN Liên Chiểu, nơi tập trung chủ yếu các DN thuộc ngành công nghiệp nặng như chế tạo máy, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng… và ô nhiễm chủ yếu là do khói bụi của các DN gây ra.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ONMT kéo dài ở một số KCN trong thời gian qua, một phần là do không ít DN chưa chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Thậm chí có DN đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ mang tính đối phó hoặc không vận hành vì sợ tốn kém. Bên cạnh đó, đối với các DN kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, do hiệu quả kinh doanh còn thấp, số vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho cả KCN lại quá lớn nên các DN này chưa thật tích cực trong việc bỏ vốn ra xây dựng trạm xử lý nước thải.

Giải pháp nào?

Nước thải của một số DN tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng vẫn thải trực tiếp ra môi trường.

 

Để khắc phục tình trạng ONMT ở các KCN, ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến luật pháp về bảo vệ môi trường, các DN cần có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Theo ông Điểu, hiện chỉ 2 KCN có hệ thống xử lý chất thải, một KCN đang xây dựng và còn lại vẫn đổ chất thải trực tiếp ra môi trường.

Để xử lý dứt điểm ONMT tại các KCN, hiện thành phố đang triển khai dự án quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh (VPEG) giai đoạn 2009-2013 do Canada tài trợ; đồng thời Sở TNMT cũng vừa có đề xuất về một số giải pháp quản lý đầu ra các hệ thống xử lý chất thải của toàn bộ KCN và các DN bên ngoài các KCN theo sự phân cấp.

Theo dự kiến, đến tháng 12-2010, các KCN tập trung phải hoàn thiện đấu nối và đưa vào vận hành hệ thống xử lý chất thải, các DN bên ngoài KCN phải hoàn tất hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần phải đôn đốc các DN đầu tư giảm thiểu ô nhiễm khí thải và đưa các hệ thống xử lý nước thải đi vào vận hành từ tháng 12-2010, đồng thời cần kiên quyết xử lý mạnh đối với những DN cố tình vi phạm về môi trường. “Nếu làm tốt các công việc trên, ONMT tại các KCN sẽ được giải quyết dứt điểm vào cuối năm 2010”, ông Điểu cho hay.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.