.

Xuất khẩu tiếp tục khó khăn

.

Các đơn vị làm hàng xuất khẩu (XK), nhất là hàng tiêu dùng, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, hầu hết các đơn vị đều giảm từ 30% đơn hàng và thị phần trở lên so với các năm trước.

Một loại giày thể thao mới mà Công ty CP Sản xuất và thương mại Hữu Nghị sản xuất với số lượng lớn trong năm 2009.

Trước thực trạng này, trong thời gian chờ đợi thị trường phục hồi, các DN đã có nhiều cố gắng tìm kiếm các thị trường mới, nhất là sự quan tâm hơn đến thị trường nội địa và chuyển đổi cơ cầu hàng XK để duy trì sản xuất và giữ lao động. Thị trường nội địa đã bước đầu chấp nhận nhiều mặt hàng và nhu cầu tiêu dùng đã tăng dần, cùng với các chiến dịch khuyến mại và kích cầu trong nhân dân, góp phần rất quan trọng vào việc tiêu thụ và thúc đẩy sản xuất.

Kết quả 9 tháng đầu năm của thành phố ước đạt 303 triệu USD, đạt 72,1% kế hoạch, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, hàng nông-lâm sản ước đạt 50,1 triệu USD, giảm 7,4%; thủy sản ước đạt 60 triệu USD, giảm 3,2%, do giá XK giảm so với cùng kỳ năm 2008, sức tiêu thụ giảm, khó khăn về nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất đầu vào tăng, tình trạng thiếu lao động, hàng rào thương mại và kỹ thuật vào thị trường EU, Mỹ...

Một số ít DN giữ được mức tăng trưởng khá nhờ linh hoạt đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong thời kỳ khủng hoảng. Riêng hàng công nghiệp - TTCN (không tính thủy sản chế biến) ước đạt 293,5 triệu USD, giảm 1,5% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chính như: dệt-may ước đạt 121 triệu USD, giảm 7,5%; đồ chơi trẻ em ước đạt 20,5 triệu USD, giảm 31,65%; sản phẩm gỗ và thủ công mỹ nghệ ước đạt 18,6 triệu USD, giảm 21%. Riêng thiết bị điện và sản phẩm điện tử tiếp tục đạt mức kim ngạch cao và ổn định, ước đạt 40,1 triệu USD, tăng 47,9%. Điều này cho thấy khả năng hoàn thành chỉ tiêu XK năm 2009 của ngành Công thương quá khó khăn.

Hiện chỉ có một số DN nhờ kịp thời chuyển đổi cơ cấu hàng XK và nhạy bén với thị trường mới, đạt kết quả XK khá. Công ty CP Dệt-may 29-3 qua 8 tháng đạt giá trị kim ngạch XK 17,3 triệu USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ; Công ty CP Sản xuất và thương mại Hữu Nghị có giá trị kim ngạch XK 4,85 triệu USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ, Công ty Mabuchimotor (100% vốn nước ngoài) đạt 23,2 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2008...

Nhân tố chính làm nên thành công của các DN này ngoài thương hiệu đã dày công xây dựng qua nhiều năm, là sự linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu, lấy tiêu chí hiệu quả làm trọng. Một số DN đã linh hoạt chuyển đổi từ làm hàng gia công XK (CMP) cho các đối tác nước ngoài sang làm hàng XK trọn gói (FOB), không cứng nhắc trong việc chọn loại hình cụ thể nào như các năm trước. Chẳng hạn như Công ty CP Dệt-may 29-3 đã điều chỉnh tỷ lệ hàng FOB từ 80% của năm 2008 xuống còn 70% và tăng hàng gia công từ 20% lên 30%, nhưng hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Công ty CP Sản xuất thương mại và dịch vụ Hữu Nghị đã đổi mới tổ chức sản xuất một cách toàn diện, ứng phó với các tình huống của thị trường nên đã đáp ứng được mọi đơn đặt hàng của khách, từ các đơn hàng nhỏ nhất đến các đơn hàng có số lượng lớn như mọi năm. Nhờ vậy, công ty cũng đã có đủ việc làm cho công nhân, có tăng trưởng và bước đầu có lãi sau nhiều năm tăng trưởng chậm. Doanh số bán hàng nội địa có tốc độ tăng trưởng khá, sản phẩm bước đầu được thị trường nội địa chấp nhận vì có chất lượng tốt và linh hoạt trong giá bán.

Dự kiến cả năm 2009, XK hàng hóa của thành phố ước đạt 580 triệu USD, đạt 100% KH, tăng 4,6% so với cả năm 2008. Trong đó, DN địa phương 174 triệu USD, giảm 17,8%; DN Trung ương 192 triệu USD, tăng 7,9%;  DN có vốn đầu tư nước ngoài 214 triệu USD, tăng 29,5% so với năm 2008.

Để đạt được mục tiêu này, ngành Công thương đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương kích cầu của Chính phủ; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Động viên khuyến khích các DN cơ cấu lại sản xuất, khắc phục các yếu kém, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.