.
Để người tiêu dùng duy trì dùng hàng Việt

Nhà sản xuất phải giữ được uy tín

.

Việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Báo Đà Nẵng trích đăng một số ý kiến của người tiêu dùng và người kinh doanh xung quanh vấn đề này.

Người dân chọn mua hàng tại Phiên chợ hàng Việt Nam được tổ chức tại KCN Hòa Khánh vừa qua.

Chị Lê Ánh Hằng, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu: Kể từ khi Nhà nước phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì lượng khách hàng đến mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước ở cửa hàng của tôi có nhỉnh hơn lúc trước. Đối với các mặt hàng như nước mắm, dầu ăn, sữa tươi… hầu hết khách hàng đều chọn hàng Việt, thế nhưng, cũng có không ít mặt hàng, đa số người mua thường chọn hàng nhập khẩu như các loại bánh kẹo và sữa bột.

Là người buôn bán, tôi cho rằng, bất cứ hàng hóa được sản xuất trong nước hay nhập khẩu muốn bán được thì chính nhà sản xuất phải giữ được uy tín với người tiêu dùng. Thế nhưng lâu nay có hiện tượng một số nhà sản xuất trong nước sau một thời gian chiếm lĩnh được thị trường đã tìm cách rút bớt lượng, thay thế nguyên liệu, làm giảm chất lượng hàng hóa.

Người tiêu dùng không khó khăn để nhận thấy sự thay đổi này và chuyển hướng lựa chọn sản phẩm bảo đảm hơn. Vì vậy, để người tiêu dùng duy trì dùng hàng Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước cần phải giữ được uy tín trong SXKD.

Ông Lê Văn Liền, cán bộ hưu trí ở quận Sơn Trà: Trước đây, gia đình tôi thường hay dùng hàng ngoại, vì nghĩ rằng chất lượng tốt hơn hàng nội. Nhưng thời gian gần đây, tôi đã quan tâm đến hàng nội và nhận thấy chất lượng nhiều mặt hàng trong nước tương đương hàng ngoại, thậm chí còn tốt hơn và giá cả lại rẻ hơn. Chẳng hạn như kem đánh răng của nước ngoài đắt hơn nhiều so với hàng cùng loại của Việt Nam, mà hiệu quả sử dụng na ná nhau.

Đúng là do tâm lý “sính” hàng ngoại, nên đôi khi người dân đã tốn tiền không cần thiết. Mấy tháng gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phát sóng về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo tôi, để cuộc vận động này có hiệu quả, ngoài việc quan tâm chất lượng, giá cả thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tạo ấn tượng sâu đậm với người tiêu dùng.
 
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng phải làm tốt việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận thương mại như hàng lậu, trốn thuế, hàng giả... Vì gian lận, trốn thuế, hàng lậu giá rẻ hơn rất nhiều đương nhiên tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với hàng sản xuất trong nước.

Bà Lê Thị Oanh, xã Hòa Liên (Hòa Vang): Bấy lâu nay, việc mua sắm hàng hóa phục vụ sinh hoạt trong gia đình, tôi thường ra chợ gần nhà, có khi mua ngay tại quán trong thôn. Hàng hóa ở nông thôn bây giờ cũng khá phong phú. Bỏ tiền ra mua hàng ai chẳng mong mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân, chứ ít ai quan tâm đến hàng nội hay hàng ngoại.
 
Thường thì ở những chợ nông thôn, các mặt hàng tiêu dùng trong gia đình như phích nước, chén đĩa, soong, chậu hay quần áo, giày dép… đa phần là hàng nước ngoài. Hàng của Việt Nam không nhiều, có chăng thì mẫu mã lại kém, giá thành cao, nên nhiều người dân ít quan tâm đến hàng sản xuất trong nước. Mong sao thời gian tới sẽ có nhiều hàng Việt chất lượng tốt, giá cả rẻ hơn hàng ngoại được bày bán ở các chợ nông thôn.

Trọng Hùng (ghi)

;
.
.
.
.
.