Cô giáo Nguyễn Thị Tiến (Trường Mầm non Bạch Dương) cho hay, trẻ em bây giờ chỉ thích những trò chơi bạo lực, những sản phẩm nhiều màu sắc sặc sỡ, những hình nộm siêu nhân, chiếc máy bay, xe tăng, búp bê... có hệ thống điện tử và được sản xuất từ nước ngoài. Còn những con diều, con bướm, trái banh, lắp chữ, đèn cù, đèn kéo quân, tò he... sản xuất trong nước, chúng chỉ chơi một lát rồi chán ngay. Thậm chí có đồ chơi lại nhanh hư.
Hầu hết các cửa hàng đồ chơi đều bày bán hàng Trung Quốc. |
Bà Nguyễn Thanh Thúy, chủ cửa hàng đồ chơi trên đường Triệu Nữ Vương nói rằng: “Đồ chơi trẻ em sản xuất tại Việt Nam không cạnh tranh nổi về giá cũng như mẫu mã với hàng Trung Quốc, nên chúng tôi ít nhận về bán. Hơn nữa, những loại đồ chơi do Trung Quốc, Đài Loan sản xuất thường có màu sắc tươi mới, bắt mắt hơn, đánh trúng vào sở thích của trẻ.
Chưa kể cách thức chơi linh động, âm thanh cuốn hút, sinh động, phù hợp với thị hiếu ở trẻ em mọi lứa tuổi”. Để minh chứng cho điều mình vừa nói, bà Thanh chỉ tay vào góc cao trên sạp của mình, nơi bày bán số ít hàng sản xuất trong nước. Bà Trần Thị Loan, một chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em cạnh đó cũng cho rằng: Đồ chơi trong nước tiêu thụ rất chậm, do ít mẫu mã, đơn điệu về hình dáng, màu sắc không sặc sỡ, rất đơn giản nên trẻ em cũng không chuộng. Những đồ chơi truyền thống như tò he, chuồn chuồn tre, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cù… ngày càng vắng bóng...
Thị trường tiêu thụ đồ chơi trẻ em không hề nhỏ, nhưng lâu nay để hàng ngoại chiếm lĩnh, mặt khác, nhu cầu phải thay đổi mẫu mã liên tục, nhất là tính năng hoạt động, độ tinh xảo… vì vậy muốn theo kịp thị hiếu trẻ nhỏ phải có sự đầu tư không nhỏ về thiết kế mẫu mã, đầu tư công nghệ… nên không mấy nhà sản xuất mặn mà. Đây chính là điều kiện để cho hàng ngoại ngày càng lấn át và nhà sản xuất đâm ra ngại ngùng, đầu tư vào mặt hàng khác “dễ ăn” hơn.
Mong rằng có nhiều nhà sản xuất với tình yêu thương con trẻ, sẽ đầu tư cho lĩnh vực vốn bị “bỏ rơi” lâu nay, cho các cháu có thể chơi được với đồ chơi sản xuất trong nước.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN