.

Hàng kém chất lượng về vùng ven

.

Với ưu thế giá rẻ, cộng với tâm lý dễ dãi của khách hàng, nhiều sản phẩm hàng nhái đang tìm cách cạnh tranh với hàng chất lượng cao tại các vùng ven thành phố. Còn người dân, vì thu nhập ít, cộng với nhận thức còn hạn chế đành chấp nhận mua và dùng những loại hàng thứ cấp, có khi mất tiền vẫn không dùng được.

Hàng kém chất lượng về vùng ven

Lực lượng QLTT thành phố đang tiến hành niêm phong thực phẩm kém chất lượng.

Chợ hàng rong Thanh Vinh và lân cận KCN Hòa Khánh chiều nào cũng tập trung đông đúc hàng hóa phục vụ các công nhân và sinh viên. Ở đây bán đủ thứ, từ thực phẩm tươi sống đến hàng tiêu dùng, gia dụng, chỉ có điều giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với những nơi khác.

Chủ yếu là những hàng không nhãn mác, hàng nhái. Người bán hàng luôn miệng quảng cáo “mại dzô, mại dzô, giá rẻ chưa từng thấy. Mua 1 tặng 1”. Quả đúng như lời anh ta nói, người dân tha hồ lựa quà khuyến mại như dao, kéo, chảo đổ trứng chống dính… với giá trị tiền hàng chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng (cho 3 gói băng vệ sinh).

Nhiều người đi chợ sà vào bởi sức hấp dẫn của khuyến mãi. Nhìn bề ngoài sản phẩm, nếu người không tinh mắt cứ nghĩ rằng mình mua được hàng giá rẻ của Công ty Kotex, nhưng xem kỹ lại thì nhãn là Koteix rất khó đọc, sản xuất tận Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, không có địa chỉ cụ thể, số điện thoại liên lạc. Chỉ ghi ngoài nhãn: Sản xuất bởi công ty liên doanh nước ngoài (?).

Chúng tôi lần lên chợ Hòa Ninh, buổi sáng khi người dân còn ra vào đông đúc. Hỏi mua một chai nước rửa chén (NRC), chị Liên, người bán tạp hóa đưa ngay ra một chai nhãn hiệu Sunlighter màu trà xanh (loại 850gr) giá chỉ 9.000 đồng. Thắc mắc sao ở nội thành giá 11.500-12.000 đồng/chai, chị Liên giải thích: “Dân vùng quê không có tiền nên chỉ dùng loại rẻ tiền thôi”.

Lợi dụng việc ít có cơ quan chức năng đi kiểm tra, hàng nhái tái xuất hiện nhiều ở các chợ vùng ven.

 

Hóa ra chai NRC không phải của nhà sản xuất Sunlight đang có sản phẩm cùng tên tiêu thụ mạnh trên thị trường, mà là hàng nhái do một cơ sở ở quận Tân Phú sản xuất, chữ Sunlight có thêm cái đuôi “er”. Đây chỉ là một vài dẫn chứng về việc công khai bán sản phẩm nhái nhãn mác.

Đi qua các quầy tạp hóa, sạp hàng vùng ven, chúng tôi thấy họ thường bán những mặt hàng quá hạn sử dụng. Kể cả các chợ, việc tiêu thụ những sản phẩm của các công ty có uy tín trong nước không được ưa chuộng bằng những sản phẩm pha chế thủ công, không đăng ký chất lượng, giấy phép hoạt động.
 
Đó là các loại dầu ăn, nước mắm đóng thành từng bịch to khoảng 5 lít, không tên tuổi nhãn hiệu, nơi sản xuất. Dầu gội đầu, kem đánh răng, mỹ phẩm… đều nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như Sunsilk (bị nhái thành Sunsilek), các loại kem dưỡng da Olay, Avon … của các cơ sở trong nước, hoặc nhập lậu từ Trung Quốc với giá bán hết sức hấp dẫn. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn, một số thực phẩm như nước giải khát, sữa, bánh kẹo đã hết hạn vẫn được tiêu thụ bình thường.

Chấp nhận thiệt thòi

Hầu như cả năm, hiếm có một cơ quan chức năng đi kiểm tra chất lượng hàng hóa ở vùng nông thôn. Người bán lại càng có cơ hội để tiêu thụ hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng. Sau cơn bão vừa qua, chúng tôi ghé nhiều điểm chợ quê, hàng hóa không thiếu, nhưng người dân lại ít mua các sản phẩm mới ra. Khi được hỏi, nếu như mua phải đồ kém phẩm chất, người dân có khiếu nại không, nhiều người lắc đầu: “Lỡ mua thì chịu thiệt thòi thôi chứ kiện tụng làm chi, biết họ ở mô mà đi cho mất công mất việc”.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.