.

Kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt thấp: Vì sao?

.

10 tháng đầu năm 2009, giá trị hải sản chế biến xuất khẩu của Đà Nẵng đạt 41 triệu USD, bằng 51,2% kế hoạch, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Tại sao nhóm hàng được coi là thế mạnh này lại đạt thấp đến vậy?

Chế biến cá ngừ hấp chín tại Công ty CP Procimex Việt Nam.

Có thể thấy rằng, với năng lực khai thác và chế biến hải sản  như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng còn lại không thể đạt 39 triệu USD để hoàn thành kế hoạch năm 2009. 

Trước hết, việc xây dựng kế hoạch xuất khẩu hải sản năm 2009 không dựa vào tình hình thực tế. Con số 80 triệu USD xuất khẩu hải sản của thành phố năm 2009 tăng hơn 10% so năm 2008 là khó thực hiện, bởi từ tháng 8-2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã xảy ra, hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu hải sản nói riêng, gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân thứ hai phải kể đến, đó là hoạt động chế biến xuất khẩu hải sản của Đà Nẵng liên tục đối mặt với khó khăn gay gắt cả về nguyên liệu đầu vào, lẫn đầu ra sản phẩm.
 
Đối với nguyên liệu, không chỉ sản lượng đánh bắt giảm mà hoạt động nuôi trồng cũng sa sút so trước đây. Mỗi tháng, sản lượng đánh bắt chỉ khoảng 3-4 nghìn tấn, trong đó khoảng 30% đáp ứng yêu cầu chế biến. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác kéo theo như số tàu đánh bắt xa bờ giảm, khả năng bám biển của ngư dân thấp, các nghề đánh bắt hiệu quả ngày càng ít, lao động nghề biển thiếu trầm trọng… Tình trạng tranh mua tranh bán hải sản diễn ra khá gay gắt.
 
Ngoài các DN trong nước, một số DN Trung Quốc cũng lấn sân, mua với giá cao, làm cho các DN quy mô nhỏ, khả năng cạnh trạnh yếu, đành chấp nhận đứng ngoài cuộc. Hậu quả là nhà máy không đủ nguyên liệu, nhiều công nhân nghỉ việc. Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kim ngạch xuất khẩu đạt thấp. Đối với Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, thế mạnh xuất khẩu vẫn là mặt hàng tôm.

Trước tình hình nguyên liệu ngày càng khan hiếm, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp khả thi như chuyển xuất nguyên liệu thô sang xuất hàng tinh chế bán thẳng vào siêu thị, mở rộng mạng lưới thu mua từ nhiều địa phương trong cả nước, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, đổi mới công nghệ, lắp đặt thiết bị máy móc hiện đại đủ khả năng đáp ứng yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao. Ông cho biết thêm, sản lượng tôm ở Đà Nẵng chỉ đủ cho DN chế biến trong 1 ngày.

Không mở rộng mạng lưới thu mua trên phạm vi cả nước và xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhiều đối tác, huy động tối đa tiềm lực tài chính thì không thể thu mua hàng chục nghìn tấn nguyên liệu để chế biến 4.550 tấn tôm xuất khẩu. Đối với thị trường tiêu thụ, yêu cầu quan trọng nhất là sản phẩm tạo được uy tín trên thị trường thế giới.
 
Nhờ triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp, mặc dù khó khăn gay gắt, DN vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể 10 tháng đầu năm nay, đã xuất 4.909 tấn sản phẩm các loại, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 28 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu hải sản toàn thành phố. Từ thực tế ở Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho thấy, trong khó khăn, nếu biết cách tháo gỡ vẫn đạt được kết quả cao. Hiện DN này đang tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cao cho khoảng 2.400 lao động.

Khó khăn về nguyên liệu làm cho nhiều nhà máy chỉ duy trì sản xuất 2-3 tháng là nhiều. Ông Thái Hội, Giám đốc Công ty TNHH Thái An chuyên chế biến hải sản xuất khẩu cho rằng: Có tiền cũng không có nguyên liệu thu mua. Sản lượng đánh bắt không chỉ giảm mà tàu thuyền ít về Đà Nẵng bán cá. Mở rộng việc thu mua sang địa phương khác không dễ, bởi tại đó họ đã có bạn hàng gắn bó từ lâu. Ở các công ty TNHH Hải Thanh, Đại Phúc, Công ty CP Thủy sản Nhật Hoàng, số công nhân vào làm việc chỉ bằng 1/3 so trước đây.

Khai thác, chế biến hải sản ở Đà Nẵng đang sa sút. Thành phố và ngành thủy sản cần có các giải pháp hữu hiệu, để hoạt động được coi là ngành kinh tế mũi nhọn này sớm phục hồi, tiếp tục tăng trưởng.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu    

;
.
.
.
.
.