.

Làm giàu cũng phải đúng đạo

.

Cuối tháng 10 vừa qua, mọi người cảm thấy bị “sốc” khi Công ty Vedan Việt Nam - doanh nghiệp vừa bị lên án vì đã xả nước thải “đầu độc” sông Thị Vải - được vinh danh tại Giải thưởng “Top 100 sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng năm 2009”. Một lần nữa, vấn đề văn hóa trong kinh doanh lại được dư luận xã hội hâm nóng.

Văn hóa doanh nhân không chỉ thể hiện ở sự mang lại đời sống ổn định cho công nhân trong doanh nghiệp…

Đã một thời, người ta cho rằng văn hóa và kinh doanh là hai phạm trù khác nhau, chẳng có một chút quan hệ nào cả. Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng văn hóa là một cái đạo, một con đường, một phương cách… và suy ra, văn hóa doanh nhân (DN) chính là cái đạo làm giàu. Một DN (đề nghị không nêu tên) cho rằng đạo đức là cái cơ bản của tất cả mọi người; DN, khi “tả xung hữu đột” trên thương trường, lại cần phải luôn trang bị cho mình một vũ khí tối thượng: đạo đức.
 
Vẫn biết thương trường là chiến trường, trong kinh doanh phải cạnh tranh khốc liệt mới tồn tại và phát triển, nhưng làm gì thì làm, đừng đạp đổ người khác để đi lên, đừng dùng đến các “xảo thuật” mà người ta có thể gọi mà không sợ nhầm lẫn là thủ đoạn.

Trở lại với vụ xì-căng-đan ở trên, dư luận bất bình vì việc làm trái khoáy của cả bên trao giải lẫn bên nhận giải. Cả hai cùng lập luận rằng, quy trình sản xuất dù có thế nào (ý nói có làm xấu môi trường hay không) là một chuyện, nhưng sản phẩm người ta đạt thì cứ phải tôn vinh, trao giải (!). Thế mà, trong thực tế, để giảm giá thành và tăng lợi nhuận, Vedan trong suốt 14 năm liền đã sử dụng đến thủ đoạn lén lút xả thẳng nước thải vào môi trường tự nhiên và cho đến nay vẫn chưa đồng ý bồi thường 596 tỷ đồng cho nông dân bị thiệt hại! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã than thở: “Thật chẳng còn đạo lý gì nữa!”.

Về những hành vi kinh doanh phi đạo đức như thế, gần 2.500 năm trước, Démocrite (460-370 Tr. C.N), nhà triết học, nhà bác học Hy Lạp cổ đại đã cảnh báo: “Kiếm tiền tuyệt nhiên không phải việc làm xấu, nhưng nếu dùng thủ đoạn bất nghĩa để kiếm tiền thì đó lại là việc làm độc ác nhất”. Và ngày nay, TS Võ Quang Trọng (Viện Nghiên cứu văn hóa) cũng đã lên tiếng:

“Khi nói văn hóa DN cũng có nghĩa là người kinh doanh có văn hóa. Và bản chất của văn hóa trong kinh doanh gắn với văn hóa đạo đức. Kinh doanh phải trung thực, không chạy theo lợi ích cá nhân để dối trá, lừa đảo; kinh doanh phải có trách nhiệm với xã hội”.

DN bước vào thương trường bằng hai đôi chân: đạo đức và tài năng, thiếu một trong hai sẽ trở nên khập khiễng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Khi được hỏi, có DN cho rằng, phải ưu tiên cho đạo đức, nhưng cũng có DN bảo, nên ưu tiên cho tài năng.
 

...mà còn ở cách ứng xử trong công tác từ thiện ngoài xã hội.

 

Nếu có tài năng thực sự, DN sẽ đưa doanh nghiệp của mình đi lên bằng chính những nỗ lực tự thân, cạnh tranh lành mạnh với cộng đồng, không lấn lướt, chà đạp người khác để mình tồn tại; như thế, sẽ có nhiều khả năng giữ được đạo đức. Ngày nay, đạo đức kinh doanh không còn là ý thức tự phát để hiểu ngầm rằng muốn giữ hay không thì tùy, mà đã được luật hóa tại nhiều nước trên thế giới, cạnh tranh không lành mạnh là vi phạm luật.

Làm công tác nhân đạo, từ thiện cũng là cách thể hiện đạo đức, văn hóa của DN. Mình ăn nên làm ra thì cũng nên chia sẻ đau thương, mất mát với đồng bào. Có điều, việc này lắm khi bị lạm dụng. Có DN âm thầm làm từ thiện, không muốn cho ai biết. Nhưng cũng không ít DN có khi chỉ trao một ít quà tặng giá trị không lớn, nhưng lại mời báo, đài đưa tin sao cho thật… hoành tráng. Đánh bóng tên tuổi mình như thế thì sao gọi là văn hóa.

Hiện có nhiều DN vẫn chưa đạt đến cái chuẩn văn hóa để xã hội tỏ lòng nể trọng. Làm giàu cũng là một cái đạo nghĩa ở đời, nói như TS Võ Quang Trọng: “Nói đến văn hóa DN là đề cập đến cái đẹp, cái đúng, cái tốt, cái lợi. Mục đích kiếm tiền phải hướng tới các giá trị văn hóa”.

Michael Porter, GS Kinh tế, Đại học Harvard, Mỹ:

Văn hóa DN chính là tổng thể đạo đức của tất cả cá nhân trong một doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa DN không thể tách rời nhau.
 
Một doanh nghiệp có cả hai loại văn hóa đó hòa quyện vào nhau sẽ làm nên sức mạnh của doanh nghiệp. Một nước có nhiều doanh nghiệp như thế sẽ là nền tảng của một nền kinh tế giàu mạnh.


Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.