Bức xúc vì quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp bị xâm hại, các hãng sản xuất xe máy đã làm đủ mọi cách để bảo vệ uy tín của mình, nhưng xem ra, bài thuốc đặc trị xe nhái khó có tác dụng lâu dài.
Yamaha không phải là cá biệt
Chi cục QLTT thành phố tiêu hủy hàng chục chi tiết nhái xe máy Honda. |
Không phải bây giờ tình trạng nhái nhãn mác, kiểu dáng xe máy của hãng mới xuất hiện. Thời điểm nóng đã đi qua gần 2 năm nay, xe nhái vẫn công khai tại các cửa hàng không chỉ ở Đà Nẵng mà còn trên phạm vi cả nước. Hãng cũng đã nắm được những thông tin liên quan và đã làm việc với đại diện tư vấn pháp luật của Yamaha để tiến hành các thủ tục, yêu cầu xử lý.
Tuy nhiên, mới phát hiện và xử lý vi phạm nơi này, nơi khác lại tiếp diễn. Vừa qua, chúng tôi đã có những động thái tích cực trong việc khuyến cáo đến các đại lý của mình tại Huế. Trên tinh thần đó, sắp tới chúng tôi sẽ làm quyết liệt tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, nhưng về thời gian, thời điểm nào thì cũng chưa thể nói.
Không chỉ riêng Yamaha, trước đây, Công ty Honda Motor Nhật Bản cũng là một nạn nhân điển hình. Hãng đã phải nhờ đến Văn phòng tư vấn luật Phạm và Liên danh (đơn vị đại diện sở hữu công nghiệp của Honda) để khiếu nại lên cơ quan chức năng. Vào thời điểm đó, tại Đà Nẵng, Chi cục QLTT thành phố đã tiến hành xử lý gần 1.000 xe máy vi phạm kiểu dáng của Công ty Honda. Sau Honda, các hãng xe Yamaha, Suzuki cũng đang bị làm nhái, làm giả xe và nhất là các phụ tùng thiết bị được sản xuất tràn lan.
Chờ khuyến cáo mới xử lý
Như vậy, theo Yamaha, hãng đã biết bị nhái từ lâu nhưng khó chống và chống không nổi. Đem “nỗi khổ” của doanh nghiệp lên trao đổi với ông Trần Cảnh Phúc, Đội trưởng đội QLTT số 8, được trả lời: Theo quy trình, đơn vị có sản phẩm hàng hóa bị làm nhái trên thị trường phải có khuyến cáo gửi trực tiếp đến đơn vị vi phạm và yêu cầu chấm dứt sai phạm. Nếu đã hết thời hạn yêu cầu mà tình trạng đó vẫn tiếp diễn thì chủ sở hữu công nghiệp gửi đơn khiếu nại cho chúng tôi và các cơ quan chuyên ngành khác.
Lúc đó, chúng tôi mới vào cuộc. Với mức độ phát triển hàng nhái nhiều như hiện nay, việc chống đỡ cơn sốt hàng nhái đối với những doanh nghiệp chân chính như muối bỏ bể. Ông Dương đã tỏ ra bức xúc trước vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Ông cho rằng, việc chống hàng giả, hàng nhái trong nước nếu chỉ một mình doanh nghiệp thì khó mà thực hiện tới nơi tới chốn. Ngay cả khi phối hợp với các cơ quan chức năng vẫn chưa hiệu quả và triệt để. Điều này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như uy tín của nhà sản xuất.
Trước tình trạng xe nhái tung hoành trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc tăng hình thức xử phạt, điều cơ bản để ngăn chặn hành vi này là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhất là các lực lượng công an, đăng kiểm, sở hữu công nghiệp và quản lý thị trường. Nếu các đơn vị trên lưu tâm đến vấn đề này thì xe vi phạm kiểu dáng khó có thể lưu thông trên thị trường bởi hồ sơ kiểu dáng công nghiệp các đơn vị này đều nắm chắc.
Những động thái mà Yamaha cũng như Honda và các hãng xe máy khác đang làm, là tích cực tìm đủ bằng chứng xác thực để cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, nếu không chủ động mạnh tay phối hợp ngăn chặn từ đầu, e rằng chờ đến khi công ty gửi khuyến cáo, thì xe máy nhái trở thành phương tiện phổ biến của hàng vạn người tiêu dùng Việt Nam.
Bài và ảnh: Duyên Anh