.

Nỗi lo của những người trồng hoa Tết

.

Hai cơn bão số 9 và 11 liên tục đổ bộ vào khu vực miền Trung chỉ trong vòng hơn một tháng, cộng với thời tiết thất thường của những tháng cuối năm, đã khiến nông dân trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết Canh Dần trên địa bàn đang lo lắng về  một vụ mùa thất thu.

Chăm sóc hoa.

Tới thời điểm này, người trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết ở Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn đang phập phồng trước khả năng một vụ mùa thất bát. Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa, ông Lê Văn Tâm, một chủ vườn mai ở tổ 23 phường Mỹ An, quận ngũ Hành Sơn, nói: Năm nay có thể coi là năm có nhiều khó khăn với người trồng mai.

Ngay từ đầu năm, thời tiết đã có nhiều thay đổi thất thường, mưa nắng lộn xộn không giống như mọi năm. Đặc biệt là 2 cơn bão số 9 và 11 vừa qua, mặc dù không đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng, nhưng với sức gió từ cấp 10, cấp 11 trở lên, hầu hết các vườn mai đều bị gió đánh tơi tả, thậm chí có cây trốc gốc, gãy cành.

Một khi mai đã bị gió đánh sạch lá là bắt đầu trổ bông, sau bão là đồng loạt trổ bông vàng ươm, không phải đợi đến Tết nữa. Vì vậy, việc chăm sóc, “ép” không cho mai trổ bông đã chiếm hết thời gian của ông. Đã vậy, mọi chi phí năm nay đều tăng cao hơn năm trước như phân bón, nhân công, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích lá, hoa...

Còn ông Châu ở phường Hòa Cường Bắc (Hải Châu) lại có nỗi lo riêng. Đó là lo các cây mai của khách hàng gửi cho ông chăm sóc sẽ không ra hoa kịp ngày Tết. “Mai của mình thì có thể được, nhưng mai của khách quả là rất khó, vì ngay từ đầu năm, chủ nhà vườn đã thu từ 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng tiền công chăm sóc và canh cho hoa ra đúng dịp Tết”, ông Châu nói. Trước tình trạng thất thường của thời tiết, mưa gió liên tục, cả người chăm mai và người gửi đều lúng túng. Không chỉ có mai mà các loại cây cảnh khác như quất, si... cũng bị gió bão làm cho hư hỏng nhiều.

Ông Thanh- một nhà vườn ở phường Phước Mỹ (Sơn Trà) cho hay: “Bão cộng với mưa dài ngày ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của cây, nhất là những nhà trồng mai ở khu vực gần biển. Khi bão đem theo nước biển, mưa xuống làm mai khô hết, nhiều cây đã chết do bị nhiễm mặn quá nặng. Mặc dù ngay sau bão, người làm vườn đã bơm nước liên tục để rửa mặn nhưng chẳng ăn thua. Có đến hơn 30% cây mai khả năng sẽ không ra hoa được do đã trổ bông trước đó, hoặc gió lay gốc không phát triển kịp”.

Trong khi đó, vườn mai của một số nhà vườn ở khu vực lân cận như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) lại bị ngập lụt nặng trong cơn bão số 9 vừa qua, cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả cho hoa trong dịp Tết, khi hàng nghìn cây mai bị hư hại.

Đến các làng hoa ở phường Hòa Cường Bắc, các thôn Khuê Đông, Khái Tây, An Lưu (Ngũ Hành Sơn), Hòa An (Cẩm Lệ), Phước Mỹ (Sơn Trà)..., hàng trăm hộ trồng hoa cũng trong tình trạng khốn khó, đang phải nếm trải một vụ mùa nhọc nhằn. Ông Lê Thanh Bạn, trồng hoa ở phường Hòa Cường Nam cho hay: “Làm nghề trồng hoa mấy chục năm nay, tôi cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Song, đối phó với gió bão, lũ lụt thì dẫu có kinh nghiệm bao nhiêu cũng chịu thua thôi. Nghề trồng hoa vất vả như thế đấy, tất cả đều phải trông chờ vào “ông” trời. Mong sao từ nay đến Tết thời tiết sẽ ôn hòa hơn, để những người trồng hoa chúng tôi bớt lo”.

Hiện tại, gia đình ông Bạn cũng như hàng chục hộ trồng hoa ở  Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc… đang tất bật chuẩn bị vô phân, cắt tỉa các loại hoa mãn đình hồng, cúc, thược dược, ly, thạch thảo, loa kèn… Đặc biệt là các chậu cúc đã phải thắp điện cả tháng nay để ép không cho ra hoa. Chị Nguyễn Thị Thảo, ở tổ 48 phường Hòa Cường Nam, phải bắc giàn đèn điện hơn năm chục bóng và tiếp nối san sát trên các luống cúc.
 
Chị nói: “Chỉ riêng tiền điện không là đã tốn vài triệu đồng 1 tháng. Với loại cúc này phải thắp điện liên tục để nó không ra hoa, chứ quên một đêm là coi như bỏ cả vườn cúc. Vả lại, giai đoạn đầu tư cúc đang là thời kỳ cao điểm của giá phân bón, nhân công... nên chắc chắn giá thành của cúc cũng sẽ đội lên cao”.

Chị Thảo cũng cho biết thêm, những năm trước, để chi phí cho hơn 400 chậu cúc giá chỉ vài triệu đồng, nhưng năm nay phải tốn gấp đôi. Từ nay đến trước Tết, nếu thời tiết cứ lạnh và ấm đan xen, người trồng hoa sẽ bớt lo, nhưng nếu lạnh về sớm quá hoặc chậm quá, trong khi đó nắng không đủ ấm, cúc cũng sẽ ra hoa sớm, hoặc trễ. “Cả vườn hơn 400 chậu, cũng chỉ mong từ 250 - 300 chậu như ý muốn, thế là tốt lắm rồi”, chị nói.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.