.

Phải coi thị trường nội địa là cơ sở

.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách - Tiền tệ quốc gia, chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ - trong một cuộc Hội thảo tại Đà Nẵng vừa qua, đã trao đổi với PV Báo Đà Nẵng về một số vấn đề chung quanh việc các DN nên đầu tư cho thị trường nội địa. Sau đây là lược ghi những ý kiến đó.

.

Thị trường nội địa nước ta là thị trường rất tiềm năng, với doanh số bán lẻ (chưa kể bán buôn) và tiêu dùng dịch vụ năm 2008 là 60 tỷ USD. Vừa qua, chính nhu cầu thị trường nội địa vẫn vững đã giúp nền kinh tế nước ta giữ được mức tăng trưởng gần 4% trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu giảm khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Phát triển thị trường nội địa với những sản phẩm “Made in Vietnam” còn làm hạn chế tác động của chiến lược “biên giới mềm” mà nước ngoài đang tìm cách lấn chiếm thị trường nước ta.

Tuy nhiên, thị trường nội địa đang bị hàng nhập ngoại lấn át. Trong khi đó, nhiều mặt hàng cùng loại của ta đã có mặt khá mạnh trên thị trường thế giới. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các DN ta chưa quan tâm khai thác thị trường nội địa.

Định kiến về hàng VN chất lượng thấp cũng là một nguyên nhân, nhưng nguyên nhân này không chỉ là lỗi của người tiêu dùng, phần quan trọng là lỗi của nhà sản xuất và cung ứng: hàng tốt dành cho xuất khẩu, hàng kém hơn mới để dành bán trong nước; nhiều hàng tốt cũng không được giới thiệu quảng bá để người tiêu dùng biết, định kiến đó cứ hằn sâu mãi.

Điều chỉnh chiến lược thị trường không có nghĩa là không quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu, mà là khắc phục các yếu kém của DN Việt Nam, đồng thời các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phải tạo điều kiện cho các DN trong nước xây dựng hệ thống phân phối, chứ không chỉ dành ưu ái cho DN nước ngoài như trước nữa. Trong nhận thức và hành động, phải coi thị trường nội địa là cơ sở, thị trường nước ngoài là quan trọng.

HẰNG VANG (ghi)

;
.
.
.
.
.