Mạng lưới giao thông nông thôn ở Đà Nẵng đang được đầu tư xây dựng cơ bản khá lớn. Chỉ trong vòng 2 năm 2008-2009, nhiều tuyến đường, cây cầu quy mô lớn, vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã được nâng cấp, xây mới.
Chẳng khác đường đô thị
Công ty Lê Vũ đang bê-tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Liên (Hòa Vang). |
Ông Nguyễn Đăng Huy, Trưởng Ban quản lý Dự án giao thông nông thôn cho hay: Giao thông đi tiên phong trong đô thị hóa ở nông thôn. Chính vì vậy, đường thiết kế thi công y như ở đô thị. Trên tuyến ĐT 605, dài 7km, vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng đoạn qua xã Hòa Tiến, cuối năm nay mới thông tuyến, thế mà hiện tại nhà cao tầng đã mọc lên san sát.
Ông Huy cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có nhiều tuyến đường, trong đó một số tuyến làm mới 100% quy mô không kém đã và đang được đầu tư xây dựng. Đường từ Bắc Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) đi thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc (Hòa Vang), dài 8km, tổng vốn đầu tư 21 tỷ đồng, thi công vào năm 2010, sẽ mở ra tuyến mới ở phía bắc thành phố.
Đường từ xã Hòa Tiến đi Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang rộng 7m, dài 4,7km, vốn đầu tư 23 tỷ đồng; đường từ xã Hòa Phú đi Hòa Ninh 5km, kinh phí 15 tỷ đồng cũng là những tuyến mới hoàn toàn... Cuối năm nay, đường xuyên núi dài 3,5km từ thôn Nam Yên đi Lộc Mỹ xã Hòa Bắc, kinh phí 6 tỷ đồng, sẽ thông xe, mở ra cơ hội mới trong lưu thông cho các vùng từ trước đến nay chưa có đường ô-tô.
Song song với việc nâng cấp, làm mới những con đường khang trang hiện đại, nhiều cây cầu quy mô lớn ở khu vực này cũng gấp rút triển khai. Đáng kể nhất trong số đó là cầu bắc qua sông Yên vốn đầu tư 11 tỷ đồng, cầu Tà Lang 12 tỷ đồng, cầu Trường Định 16 tỷ đồng, cầu Diêu Phong trên 10 tỷ đồng... Tính ra, 2 năm 2008-2009, kinh phí đầu tư cho giao thông nông thôn ở Đà Nẵng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể việc nâng cấp mở rộng và phủ tuyến giao thông liên xã cũng đang được huyện Hòa Vang triển khai rất khẩn trương.
Mở rộng mạng lưới giao thông
Cách đây 5-7 năm, trên địa bàn huyện Hòa Vang, mạng lưới giao thông trên 400km được bê-tông hóa, nhưng hồi đó đa số đường chỉ rộng 3 - 3,5 m. Hiện nay, các con đường này trở nên chật chội trước sự phát triển khá nhanh về mọi mặt ở các làng quê. Nâng cấp, mở rộng đường là một trong các nhiệm vụ quan trọng được huyện Hòa Vang xác định và ưu tiên đầu tư.
Ông Trần Cảnh Quy, Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang cho biết: Trong 2 năm 2008-2009, mỗi năm huyện đầu tư 10 tỷ đồng cho việc nâng cấp mạng lưới giao thông. Nhiều tuyến mở rộng từ 3,5m lên 5,5m, thậm chí lên 7 mét, kết cấu bê-tông nhựa hoặc bê-tông xi-măng.
Ông nêu một loạt đường vừa đưa vào sử dụng như đường từ thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn đi thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, đường từ Phú Thượng, xã Hòa Sơn đi đèo Lộc Hà cùng xã, đường nối quốc lộ 14 B đi thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong... Hiện tại, 5 tuyến đường nữa đang thi công, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm nay.
Có thể nói, cùng với việc mở rộng mạng lưới giao thông đô thị, giao thông nông thôn ở Đà Nẵng được đầu tư khá cơ bản và hoàn thiện. 100% thôn xóm có đường ô-tô đã bê-tông hóa hoặc thâm nhập nhựa đến tận nơi, trong đó không ít đường kết cấu xây dựng quy mô đường đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở các làng quê.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong đầu tư giao thông ở nông thôn, như đường vào các vùng sản xuất của các xã miền núi chưa được đầu tư. Hiện nay, việc vận chuyển gỗ rừng trồng trên phạm vi hàng chục nghìn ha ở Hòa Vang chủ yếu do người dân tự khai phá, gần như chưa có tuyến nào được đầu tư cơ bản từ ngân sách. Do đó, rất mong các ngành, các cấp cần quan tâm vấn đề trên, để đưa giao thông phát triển, phục vụ nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương và đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu