.

Quá tải Vijachip

.

Không còn cảnh chen lấn, chèn ép nhau đến vỡ đèn, gãy kính như cách đây hơn một tháng, nhưng việc phải chờ đợi nhiều ngày để được nhập gỗ đã khiến không ít nhà xe, chủ gỗ phải ngồi “ngáp ngắn ngáp dài”. Cứ mỗi giờ trôi qua lại có thêm hàng chục chuyến xe đổ về, nối đuôi vào hàng trăm chiếc đã đậu trước đó, khiến cho con đường dẫn vào Cảng Tiên Sa và Nhà máy liên doanh sản xuất nguyên liệu giấy Việt-Nhật (Vijachip) luôn ở trong tình trạng ứ đọng một lượng xe quá lớn, kéo dài từ cổng nhà máy ra gần đến nhà khách Vùng 3 Hải quân.

Bãi gỗ nguyên liệu ở Nhà máy Vijachip luôn trong tình trạng “bội thực”.

Mặc dù bão số 9 đã đi qua gần 1 tháng, nhưng do lượng cây bị gãy đổ quá nhiều trong bão, trong đó phần lớn là các loại gỗ dùng cho sản xuất nguyên liệu giấy như keo lá tràm, keo lai, bạch đàn… nên hằng ngày, tại đây có hàng trăm ô-tô tải từ Thừa Thiên-Huế vào đến Quảng Ngãi rồng rắn xếp hàng chờ nhập gỗ vào Nhà máy Vijachip.

Lãnh đạo Nhà máy Vijachip cho biết: Sau bão, lượng gỗ nhập về nhà máy tăng đột biến, mặc dù đã nâng công suất vận hành lên mức tối đa, 3 ca một ngày và làm cả ngày chủ nhật, nhưng cũng không giải quyết nổi lượng gỗ khổng lồ ồ ạt đổ về. Mỗi ngày có hàng trăm chiếc ô-tô tải xếp hàng chờ đợi trước cổng nhà máy.

Trong khi đó, khả năng tiếp nhận, bốc xếp và chế biến của nhà máy có giới hạn, mỗi ngày tối đa chỉ nhập không quá 150 xe, tương đương với khoảng 1.400 tấn nguyên liệu (có thời điểm lượng xe đợi vào cổng lên đến gần 500 chiếc) nên luôn bị quá tải. Ông Nguyễn Phúc, Phó Tổng giám đốc nhà máy cho biết thêm, nếu như trong tháng 9, trung bình mỗi ngày nhà máy chỉ nhập và chế biến khoảng 300 tấn nguyên liệu thì hiện nay, con số đó đã là 1.400 tấn, tăng gần 5 lần. Cả tháng 9, nhà máy chế biến được 9.692 tấn nguyên liệu, thì 21 ngày đầu của tháng 10, con số này đã là 25.333 tấn. Cho nên việc phải nằm chờ nhập hàng từ 2 đến 3 ngày là có thật.

Chờ đợi quá lâu, nhiều lái xe đã phải mắc võng ngủ dưới gầm xe.

 

Tình trạng quá tải ở Nhà máy Vijachip còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, từ người mua gỗ cho đến lái xe, và cả người trồng rừng… đều lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Chỉ có những hàng quán hai bên đường dẫn vào cổng nhà máy là được lợi, bởi cánh tài xế phải ăn dầm nằm dề ở đây, đợi đến phiên được gọi vào nhập gỗ…

Anh Lê Tấn Diệp, vừa là chủ xe vừa là người buôn gỗ cho biết: Nhiều thương lái buôn gỗ rừng trồng đợt này bị lỗ to khi mà rừng mua trước bão với giá cao, sau bão bị gãy đổ gần hết một nửa, cộng với thời tiết sau bão mưa gió liên tục, đường vào rừng nhão nhoẹt bùn đất. Mặt khác, kêu được nhân công đốn gỗ trong thời điểm này khó như tìm kim đáy biển, bởi ai cũng lo rừng của mình. Trong khi đó, gỗ về tới nhà máy đâu phải được nhập liền mà phải đợi từ 3 đến 4 ngày. Tiền ăn, tiền ở, tiền xăng dầu, nhân công… đội lên cao hơn ngày thường, nên lỗ là cái chắc.

Thương lái đã vậy, còn người trồng rừng cũng chẳng hơn gì. Do số lượng gỗ bị gãy đổ quá nhiều, thương lái thu mua không kịp, không có xe vào chở hàng mà hàng ngàn tấn keo, tràm ở các khu vực vùng sâu vùng xa đang phải nằm chờ ngày càng teo tóp. Ông Võ Thanh Toản, một người trồng rừng ở Hòa Bắc cho biết: “Rừng tui mới trồng chưa đến tuổi khai thác, nhưng bão đánh gãy nhiều nên phải cắt bán để tận thu được đồng nào hay đồng nấy. Song do ở địa hình khó khăn nên kêu hoài mà chẳng có thương lái, xe nào chịu chở.

Đoàn xe rồng rắn trước cổng Nhà máy Vijachip.

Trước đây, thông thường mỗi tấn bán tại rừng khoảng từ 500 đến 550 nghìn đồng, nay giảm xuống còn 400 nghìn đồng/tấn, thậm chí chúng tôi còn chịu trách nhiệm lột vỏ và bốc gỗ lên xe nhưng cũng không có ai hỏi han. Mà gỗ làm nguyên liệu nếu không bán kịp, để khô thì chỉ có đốt củi”. Không ít những giọt nước mắt đã lăn dài trên má của người trồng rừng, nhìn diện tích rừng mà mình mới trồng lại nay gãy đổ, xơ xác. Ông Thạnh ở Hòa Phú chua chát: “Tôi mới trồng lại được hơn năm, cây đang lên xanh tốt, mừng thầm trong bụng, rứa mà bão về làm hư hơn phân nửa, xót quá”.

Hiện người trồng rừng và thương lái đều trông chờ vào tốc độ thu mua của các nhà máy chế biến trong khu vực. Tại Đà Nẵng có 2 nhà máy thu mua, song trên thực tế, chỉ một mình Vijachip còn đang nhập hàng, nhà máy kia chỉ nhập cầm chừng, số lượng không đáng kể, nên lượng gỗ tồn đọng ngày một nhiều hơn. Trước tình cảnh trên, giới tài xế và thương lái cứ chạy đi chạy lại giữa các nhà máy ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Ngãi, tìm chỗ nào ít hàng hơn thì chen vào nhập, dù giá cả mỗi nơi mỗi khác.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.