.
Quản lý chất lượng thực phẩm

Bao giờ hết rối?

.

Công tác quản lý chất lượng thực phẩm từ lâu đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực bằng cách ban hành nhiều văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác quản lý không vì vậy mà bớt rối.

Với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.


Việc quản lý chất lượng thực phẩm hiện nay có đến 5 Bộ cùng chịu trách nhiệm, thế nên mới rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Ví dụ, khi tiến hành cấp phép cho một cơ sở SXKD hàng thủy-hải sản, Bộ Y tế đã có Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT về Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở SXKD thực phẩm có nguy cơ cao,  có nghĩa là cá nhân, tập thể nào muốn kinh doanh mặt hàng thực phẩm thủy-hải sản phải xin phép ngành Y tế.
 
Thế nhưng cùng nội dung trên thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN về Quy định quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở SXKD thủy sản đủ điều kiện bảo vệ an toàn thực phẩm. Điều đáng nói là Quyết định 11 của Bộ Y tế được ban hành ngày 9-3-2006, còn Quyết định 117 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì được ban hành ngày 11-12-2008, tức là sau khá lâu, nhưng nội dung lại khá trùng lặp. Không hiểu khi ra văn bản, Bộ này có tham khảo ý kiến từ Bộ kia? Chính điều này đã dẫn đến tình trạng khá phổ biến là cùng một lĩnh vực SXKD nhưng có cơ sở lại xin giấy phép từ ngành Y tế, có cơ sở xin giấy phép từ ngành Nông nghiệp(?)

Trong khi đó, trong các Nghị định xử phạt của Chính phủ cũng có sự không thống nhất, khiến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn. Nếu như tại Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ban hành ngày 11-10-2005 quy định mức xử phạt hành chính với hành vi “…sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, phụ gia chế biến bị cấm sử dụng, không được phép lưu hành tại Việt Nam…” từ 3-5 triệu đồng.

Trong khi đó, Nghị định 45/2005/NĐ-CP ban hành ngày 6-4-2005 về việc xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực y tế thì lại đưa ra mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng với cùng lỗi như Nghị định 128. Đây là một trong những lý do không riêng gì tại Đà Nẵng mà nhiều địa phương trên cả nước, nhiều cá nhân, đơn vị phàn nàn về việc cùng hành vi vi phạm nhưng có trường hợp bị xử lý rất nhẹ tay, có trường hợp lại bị xử lý nặng gấp 3-4 lần.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Viết Nguyên, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ nhận xét: Nếu liệt kê về các loại văn bản quy phạm, xử phạt hành chính trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm thì nhiều không thể kể hết. Hầu như ngành nào cũng ban hành văn bản quy định và xử phạt riêng cho mình.

Tuy nhiên, khá nhiều văn bản được ban hành trước đó không nghiên cứu kỹ văn bản của Bộ, ngành khác, dẫn đến hiện tượng trùng lắp, chồng chéo, đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau. Văn bản nhiều là vậy, thế nhưng cũng chưa đủ và chưa theo được cuộc sống. Một dẫn chứng mới đây nhất tại Đà Nẵng là vụ mỡ thối và xương thối, các cơ quan xử lý đều gặp khó khăn. Nguyên nhân là trong các văn bản quy phạm của Nhà nước không thể hiện rõ cụ thể trường hợp này, vì thế khi gặp trong thực tế thì không biết “bám” vào đâu để giải quyết.

Để giải quyết tồn tại này, phương án thành lập đội liên ngành để xử lý được xem là hiệu quả nhất. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi đội liên ngành cũng không thống nhất được mức xử phạt, vì mỗi đơn vị lại chiếu theo văn bản của ngành mình. Có trường hợp các thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành đã “đẩy” trách nhiệm cho nhau, với lập luận lỗi này không thuộc về ngành mình quản lý.

Sự chồng chéo và kém hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng thực phẩm đã được phát hiện từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vì Luật An toàn thực phẩm vẫn còn trong quá trình lấy ý kiến. Điều này cũng có nghĩa trong thời gian đến, công tác quản lý trên lĩnh vực này vẫn còn… rối.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.