Năm 2009 được đánh giá là năm đầy khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu (XK) hàng dệt-may Việt Nam. XK hàng dệt-may không những đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu của các thị trường mà còn bị tác động tiêu cực về giá cả. Tuy nhiên, theo dự kiến của Sở Công thương, kim ngạch XK hàng dệt-may của thành phố trong năm 2009 sẽ đạt 160 triệu USD, tăng 9,9% so với năm trước. Song giai đoạn cuối năm, ngoài việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch, cũng là lúc các DN đang tất bật chuẩn bị các hợp đồng mới, tìm đầu ra cho sản phẩm của năm tiếp theo.
Công ty CP Dệt-may 29-3 sản xuất 3 ca/ngày cho kịp thời gian giao hàng. |
Các nhà nhập khẩu của thị trường Mỹ, EU tăng cường củng cố năng lực mặc cả, đặt mua hàng với khối lượng lớn, đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh... buộc các nhà XK phải thích ứng và nâng cao năng lực nghiệp vụ. Điều đó đòi hỏi những DN lớn mới có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu này. Trong khi đó, hầu hết DN sản xuất và XK hàng dệt-may ở Việt Nam là DN vừa và nhỏ, nên gặp khó khăn khi tiếp cận cơ hội cung cấp vải vóc, sợi tự nhiên, sợi tổng hợp, quần áo may sẵn... Bên cạnh đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng dệt-may hàng đầu thế giới nhưng trước sức ép của khủng hoảng tài chính, thị trường này co cụm lại, kim ngạch nhập khẩu vào nước này chỉ ước đạt 50 tỷ USD trong năm 2009.
Theo bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt-may 29-3, trước sức ép về thị trường, yêu cầu của nhà nhập khẩu các nước, nhất là Mỹ, công ty đã chủ động tìm hướng đi riêng phù hợp với thực tế như tìm khách hàng mới, thị trường mới, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác trong cùng một thời điểm, tăng cường tiếp cận các nhà nhập khẩu phù hợp với khả năng sản xuất của DN. Từ đó, chú trọng việc tìm kiếm các đơn đặt hàng lớn, ít gia công.
Tuy nhiên, do số lượng các đơn đặt hàng lớn ít dần, các đơn hàng nhỏ, nhiều mã tăng lên. Đây vừa là khó khăn cũng là thuận lợi đối với DN. Khó khăn là các đơn hàng nhỏ nên đòi hỏi việc lên chuyền sản xuất và xuống chuyền phải nhanh, công tác chuẩn bị sản xuất gấp rút và chính xác hơn, thời gian giao hàng liên tục, doanh thu thấp so với sản xuất hàng xuất khẩu trực tiếp... Thuận lợi là đa dạng hóa khách hàng, thị trường tiêu thụ, sắp xếp lại tổ chức sản xuất hợp lý, tinh gọn, đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng...
Do chủ động đối mặt với thách thức nên kết quả XK của nhiều DN vẫn giữ vững và tăng trưởng. Công ty CP Dệt-may 29-3 trong 9 tháng đầu năm 2009 đạt tổng kim ngạch XK gần 19 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Hết quý 4-2009, DN hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 21 triệu USD trong năm nay.
Bà Nguyệt cho biết: Hiện tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, hoạt động sản xuất của ngành dệt-may sẽ sớm khôi phục và phát triển trở lại. Thuận lợi lớn nhất hiện nay của hàng dệt-may Việt Nam là thị trường Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 20% ở thị trường này. Chính sách ưu đãi miễn thuế trong Hiệp định kinh tế song phương Việt - Nhật (VJEPA) vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 là một động lực lớn để nhà nhập khẩu nước ngoài chuyển đơn hàng sản xuất vào Việt Nam. Các DN XK hàng dệt-may sẽ có nhiều thuận lợi cũng như củng cố phát triển trong những năm tới.
Còn ông Trần Văn Phổ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ cho rằng: Sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, hàng dệt may Việt Nam XK vào thị trường Mỹ, EU đang có dấu hiệu khả quan so những tháng đầu năm.
Ngoài việc đang hồi phục đà tăng trưởng ở các thị trường chính, hàng dệt-may Việt Nam còn thành công trong việc mở rộng thị trường và tăng trưởng cao ở những thị trường mới: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Na Uy... Cùng với đó, các điều kiện thuận lợi về vốn vay, chính sách thuế của Chính phủ đã hỗ trợ cho các DN trong năm 2009, giúp DN vững vàng “cán đích”. Riêng Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ sẽ tiếp tục thực hiện đa dạng hóa khách hàng, nguồn hàng, thị trường tiêu thụ... để từng bước phát triển sản xuất bền vững trong những năm tiếp theo.
Bài và ảnh: Phương Uyên - Thái Hòa