.
Trạm điện thoại thẻ

Bỏ thì thương, vương thì nặng!

.

Hàng trăm trạm điện thoại thẻ (card phone) không còn phát huy tác dụng, mà trở thành nơi đựng chén bát, thau chậu, dán tờ rơi... Nhưng mỗi năm, Công ty Dịch vụ viễn thông Đà Nẵng vẫn phải bỏ ra vài chục triệu đồng để sửa chữa, bảo trì.

Điện thoại không tín hiệu

Trạm điện thoại thẻ là nơi để xô nước rửa chén bát của quán cơm vỉa hè.


Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết máy điện thoại trong các trạm điện thoại thẻ (trạm ĐTT) ở các tuyến đường Lê Duẩn, Trưng Nữ Vương, Tôn Đức Thắng, Quang Trung... đều không có tín hiệu khi chúng tôi nhấc ống nghe. Rất ít trạm còn nguyên vẹn, lá chắn của các hộp dây line gần chân trạm bị cạy nắp làm lộ các dây line ngầm đã đứt tung.
 
Trước Trường THCS Lý Thường Kiệt (đường Trưng Nữ Vương), vỏ trạm ĐTT bị phá vỡ và xanh lè vì sơn xịt tứ tung. Ở góc đường Triệu Nữ Vương, một hộ bán kính xe nhét bao nilon, chai lọ đầy trạm, lại tranh thủ kê thêm miếng ván để bày kính tràn lan dưới chân trạm. Trên đường Lê Duẩn, trạm ĐTT được tận dụng làm nơi để xô nước rửa chén.

Chưa kể, hết thảy vỏ trạm ĐTT là nơi lý tưởng để... dán tờ rơi. Có thể bắt gặp đủ loại quảng cáo, từ nhận dạy kèm, tuyển nhân viên, đến tìm nhà trọ... chằng chịt ở các trạm. Để tờ quảng cáo của mình trở nên “nổi bật”, dễ nhìn, nhiều người tiện tay xé luôn các tờ giấy cũ trước khi “chèn” tờ mới lên, để lại những vết loang lổ rất khó chịu.

Theo một cán bộ quản lý ĐTT của Công ty Dịch vụ viễn thông Đà Nẵng, trước đây, vỏ trạm bằng chất liệu mica, nhôm thường bị kẻ xấu tháo gỡ hoặc đập phá, nên gần đây đã được thay vỏ hộp bằng sắt cho “chắc ăn”.

Ít doanh thu, vẫn phải duy tu, bảo dưỡng

Chai lọ, bao nilon ở trên và kính xe bày ở dưới.


Thống kê từ công ty trên cho thấy, hiện doanh thu trung bình hằng tháng của mỗi trạm chỉ vài nghìn đồng, có nơi suốt mấy tháng liền cũng không thu được đồng nào. Trong khi đó, vào thời cực thịnh của ĐTT (khoảng từ năm 1998 đến 2000), doanh thu thường trên 100 nghìn đồng/trạm/tháng. Có trạm còn thu được từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Tính không hiệu quả của ĐTT đã hiện rõ từ khoảng năm 2005 đến nay, khi điện thoại di động với giá cước quá rẻ đã phủ sóng khắp nơi, đáp ứng khá tốt nhu cầu liên lạc và phù hợp túi tiền của người sử dụng. Nhiều trường học, trụ sở UBND quận, phường cũng đề nghị gỡ các trạm ĐTT ở trước cơ quan mình để bảo đảm mỹ quan và không làm cản trở giao thông. Do đó, Công ty Dịch vụ viễn thông Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị với Tập đoàn VNPT thu hồi đồng loạt tất cả các trạm ĐTT, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Tới nay, chỉ mới trên 100/375 trạm trên địa bàn thành phố được thu hồi. Theo ông T.H.M., một cán bộ của công ty, vì nguồn bán thẻ không nhiều như thẻ di động, thường chỉ được bán ở các bưu điện lớn. Số thẻ bán ra thường ít nên sau một thời gian, nhiều điểm bưu điện cũng không bán nữa. Như thế, việc sử dụng ĐTT ngày càng ít đi.

Các trạm ĐTT vẫn tiếp tục tồn tại, nghĩa là Công ty Dịch vụ viễn thông Đà Nẵng phải tốn không ít tiền để duy tu, bảo dưỡng, mà tiền thu lại từ cước không đáng kể. Ông M. tính toán, từ năm 2004 đến năm 2006, chi phí vật tư bỏ ra cho chừng đó trạm vào khoảng 200 triệu đồng/năm, chưa kể mất thêm gần 50 triệu đồng tiền thay thế vỏ trạm. Còn từ 3 năm nay, dù không mua vật tư nữa, nhưng chi phí cho nhân công và sửa chữa vỏ trạm cũng tròm trèm vài chục triệu.

Ông M. khẳng định: “Có lẽ công ty sẽ kiến nghị mạnh mẽ hơn để VNPT thực hiện thu hồi dứt điểm trong thời gian tới, để không phải kinh doanh mãi một loại hình mà xã hội không còn nhu cầu”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.